Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết: Công tác giáo dục ATGT trong trường học được ngành Giáo dục coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành. Sở Giáo dục - Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục, các nhà trường trong tỉnh quán triệt sâu rộng đến cán bộ, học sinh, sinh viên nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời và kiên quyết đảm bảo trật tự ATGT như: Phối hợp với ngành Công an thường xuyên tuyên truyền về ATGT trong trường học; trang bị tài liệu và đồ dùng giảng dạy về ATGT; tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông; tổ chức các đội thanh niên xung kích, đội tự quản tham gia hướng dẫn giao thông tại các ngã ba, ngã tư …
Ngay từ đầu năm học mới, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục chính khóa về ATGT. Các trường học cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa lồng ghép các nội dung về ATGT với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với lứa tuổi.
Năm học 2011-2012, ngành học Mầm non đã triển khai 100% các trường thi "ATGT cho bé", nhiều đơn vị tích cực phối hợp với ngành Công an tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về pháp luật ATGT gắn với thực tiễn của địa phương như: Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hoa Lư, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình, Trường THPT Hoa Lư A... Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh đang phối hợp với Công an tỉnh tổ chức cuộc thi "Học sinh, sinh viên với pháp luật về ATGT" năm 2012, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các Trung tâm GDTX, trường THPT tham gia.
Trong những năm gần đây, phương tiện giảng dạy về ATGT đã được tăng cường trong các trường học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên. Hầu hết các trường đều có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí mua tài liệu, đồ dùng dạy học cho những năm tiếp theo.
Ngành cũng tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ban ATGT tỉnh, các dự án tài trợ của các tổ chức nước ngoài để trang bị tài liệu, thiết bị hỗ trợ giảng dạy ATGT và tuyên truyền về Luật Giao thông như: Dự án ATGT đường bộ Việt Nam, phối hợp với Ban điều hành Dự án tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam tổ chức "Tuần lễ ATGT" tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành phát động trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Hiện tượng ùn tắc giao thông ở các cổng trường đã có chuyển biến tích cực. Các trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chống ùn tắc giao thông ở cổng trường vào các giờ cao điểm với những biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Giáo dục về ATGT trong trường học được thực hiện thường xuyên với phương châm "mưa dầm thấm lâu", đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Thầy giáo Tạ Quang Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình) cho biết: có 1.259 học sinh ở 30 lớp. Hàng ngày, có một số lượng lớn học sinh từ thành phố Ninh Bình và các huyện lân cận đến trường, trong khi đó đường vào trường hẹp, ngắn, lại có nút giao thông phức tạp với QL1A nên công tác giáo dục ATGT cho học sinh được Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm.
Trong các giờ chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, các em học sinh được tuyên tuyền, nhắc nhở chấp hành Luật Giao thông; nhà trường có quy định nghiêm cấm việc học sinh đi xe máy đến trường.
Đối với những học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có thông báo của lực lượng chức năng, sẽ bị xử lý kỷ luật, hạ hạnh kiểm. Trường thành lập đội thanh niên xung kích gồm 44 học sinh để kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành nội quy, nền nếp của học sinh.
Vào những ngày lễ, hưởng ứng tháng ATGT, Ban giám hiệu chỉ đạo Đoàn thanh niên, Ban nền nếp tăng cường các hoạt động tuyên truyền về ATGT trên các bảng tin, loa phát thanh, treo băng rôn, biển hiệu và tham gia hướng dẫn giao thông tại điểm nút giao thông gần cổng trường.
Nhờ được thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh nên trong thời gian gần đây, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến cán bộ, giáo viên và học sinh của trường.
Em Phạm Thùy Linh, học sinh lớp 11B7, trường THPT Đinh Tiên Hoàng bày tỏ: Hiện nay, không ít các bậc phụ huynh có điều kiện nên đã sắm cho con không chỉ xe đạp mà cả những chiếc xe máy đắt tiền. Hàng ngày trên đường đi học, em vẫn thường bắt gặp hình ảnh các bạn dàn hàng 3, hàng 4, vừa đi vừa nói chuyện, đi xe đạp điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc dùng tay kéo bạn đi xe đạp, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Đó là việc không nên làm.
Cần phải ý thức rằng trách nhiệm của mỗi học sinh là không chỉ bản thân mình nghiêm túc tuân thủ pháp luật về giao thông mà còn phải biết lên án, bài trừ những hành vi vi phạm như trên để góp phần xây dựng môi trường văn hóa giao thông trong nhà trường, gia đình và cộng đồng, để mỗi ngày đến trường đối với chúng em thực sự là một ngày vui.
Thùy Phương