Tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình), nhà vệ sinh nhiều năm nay không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Năm học 2018-2019, trường có trên 980 học sinh với 25 lớp học. Số lượng học sinh đông như vậy nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh nam và nữ, mỗi nhà có 1 bệ cầu và khu tiểu tiện 15m2. Điều đáng nói là khu vệ sinh hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, trần bị bong tróc, tường rêu bám đen; hệ thống cấp và tiêu thoát nước không đảm bảo, mỗi khi mưa to là ngập lụt gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan, sức khỏe của học sinh. Cô giáo Hoàng Thị Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà vệ sinh của trường đã xuống cấp từ nhiều năm nay, nhưng chưa có cách nào khắc phục triệt để. Trước mắt, tạm thời giải quyết tình trạng này, nhà trường thuê người quét dọn, xả nước thường xuyên; đồng thời có kế hoạch cho khối 1 và khối 2 ra chơi trước 5 phút, sau đó mới cho các khối còn lại ra chơi để tránh tình trạng quá tải.
Chung tình trạng là trường THCS Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình). Khu vệ sinh của trường đang chịu tình trạng quá tải khi công trình có diện tích chật hẹp với 2 bệ cầu mà phải phục vụ cho hơn 800 học sinh. Theo cô giáo Phùng Thị Yến Nhi, Hiệu trưởng nhà trường, khu vệ sinh được xây dựng từ hơn 10 năm nay, nhằm phục vụ 300-400 học sinh, trong khi hiện số lượng học sinh đã tăng gấp hơn 2 lần. Công trình do xây dựng nhiều năm nên xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết đường nước, bể phốt, tường trần… đều có dấu hiệu hư hỏng, thường xuyên xảy ra bị tắc, mất nước, không đảm bảo được yêu cầu vệ sinh.
Được biết, cùng với chất lượng nhà vệ sinh kém, xuống cấp là ý thức của các em học sinh cũng còn có mức độ. Việc các em đi vệ sinh không xả nước, vứt giấy bừa bãi, đi không đúng nơi quy định… vẫn thường xuyên xảy ra. "Gọi là khu vệ sinh nhưng lại mất vệ sinh nhất trong trường. Quy mô học sinh tăng liên tục theo hàng năm, trong khi nhà vệ sinh vẫn như cũ và không được cải tạo, nâng cấp dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là vào những ngày hè nóng nực, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và việc giảng dạy, học tập, sinh hoạt, vui chơi của thầy và trò nhà trường." - nhiều thầy, cô giáo cho ý kiến.
Nhà giáo Bùi Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cho biết: Năm học 2018-2019, học sinh từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn thành phố đều tăng cao so với năm học trước; trong đó, bậc Tiểu học tăng hơn 1 nghìn học sinh và bậc THCS tăng trên 400 học sinh. Những năm qua, các trường học đều được quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng khá đầy đủ về phòng học và trang thiết bị, nhưng riêng công trình nhà vệ sinh lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều trường học khu vệ sinh bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các nhà trường đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa các nhà vệ sinh; đồng thời quan tâm đến việc dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ các khu nhà vệ sinh trong trường học. Riêng trong năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã trích kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3 khu nhà vệ sinh tại các trường: THCS Ninh Sơn, THCS Đinh Tiên Hoàng và trường Tiểu học Lê Hồng Phong, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo các nhà trường cải tạo, sửa chữa các nhà vệ sinh không đúng quy chuẩn, từng bước khắc phục sự xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng của các nhà vệ sinh.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến nay, về cơ bản các trường, điểm trường trên địa bàn tỉnh đều có nguồn nước sạch, tuy nhiên, số lượng nhà vệ sinh các cấp học còn thiếu so với quy định. Hiện số trường học có đủ nhà vệ sinh và đảm bảo các điều kiện theo quy định là: Mầm non có 135/153 trường, chiếm tỷ lệ 88,2%; Tiểu học có 100/152 trường, chiếm tỷ lệ 65,7%; THCS có 80/142 trường, chiếm tỷ lệ 56,3% và THPT có 20/27 trường, đạt tỷ lệ 74%.
Qua khảo sát, đánh giá, hầu hết nhà vệ sinh của các trường học trong tỉnh chưa đạt chuẩn thiết kế theo tiêu chuẩn quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2585 ngày 23/8/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, do thiết kế chưa đủ số lượng bệ xí cho học sinh nam và nữ, chưa đảm bảo số lượng chậu rửa so với quy định. Một số nhà vệ sinh đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.
Trước thực tế đó, ngành Giáo dục Ninh Bình xác định nhu cầu cần xây mới, sửa chữa công trình nhà vệ sinh trong thời gian tới của các trường học trong tỉnh là: Đối với mầm non, cần 330 nhà vệ sinh (36 cho giáo viên, 294 cho học sinh); Tiểu học cần 128 nhà vệ sinh (42 cho giáo viên, 86 cho học sinh); THCS cần xây mới, sửa chữa 90 nhà vệ sinh (32 cho giáo viên, 58 cho học sinh) và cấp THPT là 16 nhà vệ sinh (6 nhà cho giáo viên, 10 cho học sinh).
Để đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vì một môi trường học tập sạch sẽ, lành mạnh và thân thiện, các trường học và các cấp chính quyền cần có sự quan tâm đúng mức hơn đến vấn đề nhà vệ sinh trong nhà trường để có sự đầu tư đồng bộ và có nguồn kinh phí nhất định để xây mới và nâng cấp, tu bổ, sửa chữa những nhà vệ sinh đã xuống cấp. Cùng với đó, các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh cần giáo dục những kỹ năng sống, kỹ năng mềm, trong đó có việc được sử dụng, biết cách sử dụng và ý thức sử dụng nhà vệ sinh tiện nghi, sạch sẽ, nâng cao ý thức cho các em học sinh đối với việc giữ gìn vệ sinh chung, tạo mội trường học đường xanh - sạch - đẹp.
Bài, ảnh: Hạnh Chi