Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được Sở xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, việc xây dựng cơ cấu và bố trí, sắp xếp công chức, viên chức tại các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh và của Trung ương, đảm bảo đúng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hàng năm, Sở tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể đội ngũ công chức, viên chức làm cơ sở để thực hiện việc củng cố đội ngũ công chức, viên chức của Sở; không ngừng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ và xây dựng cơ cấu công chức, viên chức chuyên môn theo vị trí việc làm. Đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ, công chức, viên chức; quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức... Từ năm 2011 đến nay, Sở đã tuyển dụng gần 200 viên chức; tiếp nhận điều động, luân chuyển trên 400 cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho gần 200 cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách về nâng lương thường xuyên, nâng thâm niên vượt khung, nâng thâm niên nhà giáo cho hàng nghìn cán bộ, giáo viên... Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đẩy mạnh; trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý để hoạch định được chính sách trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của công chức và bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho viên chức. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, Sở đã cử hơn 100 cán bộ, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ thạc sỹ, tiến sỹ trong nước và bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước... cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức... Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và ý thức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm chú trọng. Theo đó, thực hiện các nội dung về cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557, ngày 18-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức, đồng thời ban hành Kế hoạch, Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả, đã triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt chính sách thu hút của tỉnh... Đồng thời, thực hiện Nghị định số 36, ngày 22-4-2013 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và cơ cấu công chức, Nghị định số 41, ngày 8-5-2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ đã tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hưng Yên về triển khai vị trí việc làm và ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đang tích cực triển khai thực hiện.
Thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10, ngày 4-4-2014 quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, lao động tỉnh Ninh Bình thay thế Quyết định số 1248 ngày 25-6-2008. Quy định được ban hành đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức, cá nhân; việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời, hiệu quả và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và cá nhân thì giao cho cấp đó thực hiện; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên do được quan tâm từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến quy hoạch, bổ nhiệm. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cử 338 cán bộ, công chức, viên chức đi học bác sỹ, dược sỹ đại học, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II và đi đào tạo sau đại học; cử 31 giảng viên tham dự các lớp bồi dưỡng giảng viên nguồn do Bộ Nội vụ tổ chức; 12 công chức, viên chức đi bồi dưỡng tiếng Anh tại nước ngoài. Mở hàng chục lớp trung cấp hành chính văn phòng, tin học văn phòng, trung cấp chuyên nghiệp quân sự, đại học tại chức... cho cán bộ, công chức, cán bộ chủ chốt hoặc chức danh chủ chốt cấp xã. Đồng thời mở trên 200 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 15 nghìn lượt học viên, trong đó mở theo kế hoạch đào tạo hàng năm là 168 lớp, ngoài kế hoạch đào tạo là 37 lớp.
Công tác quản lý cán bộ, công chức tiếp tục được đổi mới theo hướng chú trọng thu hút người có tài vào bộ máy hành chính Nhà nước, tổ chức thi tuyển cạnh tranh để đảm bảo công bằng, hiệu quả. Năm 2013, tỉnh tổ chức thi tuyển công chức vào các cơ quan hành chính Nhà nước. Năm 2014, tỉnh đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch từ nhân viên, cán sự lên chuyên viên với 35 người đủ điều kiện dự thi, có 32 người đạt kết quả đủ điều kiện được nâng ngạch. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 893, ngày 14-3-2013 của Tỉnh ủy với 33 chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương. Chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người có tài tiếp tục được phát huy tác dụng. Từ năm 2011-2015, tỉnh đã thu hút được 573 công chức, viên chức vào các cơ quan, đơn vị tại địa phương.
Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được tăng cường, số lượng cán bộ, công chức qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn, nhưng nhìn chung kiến thức, kỹ năng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do tinh thần, thái độ, tác phong trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa tốt, nội dung chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng đến thực hành. Chính sách thu hút cán bộ mặc dù đã được tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với các đơn vị khác, vì vậy trong thời gian qua, tỉnh chưa thu hút được những người có trình độ cao như Tiến sỹ, Phó giáo sư, Giáo sư về làm việc tại địa phương...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cần quan tâm đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp và tài liệu giảng dạy cho phù hợp theo yêu cầu của vị trí việc làm, trong đó chú trọng kỹ năng thực tiễn áp dụng cho từng đối tượng người học. Cùng với đó, khi bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, đòi hỏi phải có phẩm chất và năng lực, có trình độ văn hóa, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ lễ phép, tận tụy, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, từng bước tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Mỹ Hạnh