Với gần 800 học sinh thường xuyên ăn bán trú tại trường, những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được Trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) quan tâm, chú trọng, đảm bảo về chế độ dinh dưỡng cho học sinh và không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Do số lượng học sinh đông, diện tích dành cho khu bảo quản, chế biến bếp ăn tập thể chật hẹp, nhưng nhà trường vẫn cố gắng khắc phục bằng nhiều cách.
Đầu năm học 2019-2020, nhà trường đã sửa chữa, mở rộng khu bếp ăn thêm 120m2 theo quy chuẩn bếp ăn một chiều, nâng diện tích khu bếp ăn lên gần 200m2, chia thành các khu riêng biệt, sạch sẽ, gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín... Đặc biệt, nhà trường huy động nguồn xã hội hóa và được thành phố Ninh Bình đầu tư hệ thống bếp từ, bếp điện thay thế bếp gas nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ.
Cô giáo Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Bình cho biết: Do số lượng học sinh ăn bán trú tại trường khá đông, nên vấn đề đảm bảo ATTP luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho bữa ăn trưa của trẻ, nhà trường nghiêm túc lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc xuất xứ và địa chỉ rõ ràng, thực hiện ký hợp đồng cam kết trách nhiệm giữa 2 bên. Đồng thời, thực đơn được lên lịch theo tuần, theo mùa và công khai tại bảng thông báo của nhà trường. 7 cô nuôi dưỡng và phục vụ bếp ăn đều có kiến thức về ATTP, được tập huấn, trang bị phương tiện bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ, nhằm thực hiện đúng quy trình chế biến và đảm bảo không lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm. Từ việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, đến việc bảo quản, chế biến thực phẩm tươi sống và sau khi nấu chín, đến lưu mẫu thức ăn.... theo đúng quy trình, trong nhiều năm qua, nhà trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đối với trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình, là trường thường xuyên có trên 300 học sinh ăn, ở nội trú tại khu ký túc xá, việc đảm bảo ATTP được nhà trường quan tâm, coi đó là nhiệm vụ quan trọng song song cùng với việc dạy và học. Ông Ngô Nguyên Trọng, Tổ trưởng Tổ quản trị đời sống, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết: Các em học sinh là người dân tộc thiểu số, thuộc diện được miễn phí tất cả các khoản đóng góp từ ăn, ở, đến học tập. Do ở nội trú nên các em được ăn 3 bữa ăn sáng, trưa, tối tại trường.
Để các bữa ăn đủ chất, đảm bảo sức khỏe cho các em học tập, rèn luyện, vui chơi, nhất là các em đang ở tuổi dậy thì và phát triển để trưởng thành về thể chất, nhà trường rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho học sinh. Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như khu nấu ăn rộng rãi, các trang thiết bị, dụng cụ nấu ăn như bếp nấu, tủ lạnh bảo quản thực phẩm, nồi cơm điện, nồi hơi, bát đĩa, bàn ghế..., các nguyên liệu thực phẩm từ thịt, cá, trứng, rau xanh... được ký kết với đơn vị nuôi, trồng, sản xuất, cung cấp có uy tín, nguồn gốc, đủ điều kiện về ATTP. Đồng thời, 7 nhân viên nấu ăn đều có bằng trung cấp, sơ cấp nấu ăn, được tập huấn, kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong quá trình chế biến thực hiện nghiêm các bước theo quy định, có lưu mẫu thức ăn chín và sống ở tất cả các bữa ăn... Nhờ quan tâm đến bữa ăn nội trú cho học sinh, nhiều năm qua, tại trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, được kiểm tra công nhận bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP.
Theo Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có gần 400 trường học từ bậc mầm non đến THPT tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú, với hàng chục nghìn học sinh. Trong đó, tỷ lệ trường mầm non ăn bán trú chiếm trên 90%, khối tiểu học chiếm gần 50%. Riêng thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, có gần 100% các trường mầm non và tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường.
Để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, vào đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều có công văn chỉ đạo các nhà trường có học sinh ăn bán trú cần thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về đảm bảo ATTP, lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn từ những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đầy đủ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh theo mùa. Đồng thời phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng, cô nuôi trong các nhà trường, kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn... Hiện tất cả các bếp ăn tập thể trong trường học trong tỉnh đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, ATTP.
Thực tế hiện nay rất khó để đảm bảo tuyệt đối chất lượng ATTP trong các trường học. Những năm học trước, đã từng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và lẻ tẻ tại một số cơ sở trường học, đòi hỏi công tác quản lý, kiểm tra ATTP tại các trường học cần tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn nữa. Các trường học cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về ATTP; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao ý thức cho người thực hiện. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATTP trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm… mục tiêu là đảm bảo vệ sinh, an toàn trong các bữa ăn cho học sinh, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh