Triển khai thực hiệnLuật Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ (đơn vị được tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có Sở hữu trí tuệ) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao nhận thức của đông đảo công chúng, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang có những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu. Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Gạo Hương Bình và Ngao Kim Sơn".
Đến nay hai sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất thực hiện các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ gồm: Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao; dự án tạo lập, quản lý và phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương như rượu của huyện Kim Sơn, hoa đào phai của thị xã Tam Điệp; dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của địa phương như cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Năm 2013, tỉnh tiếp tục đầu tư nghiên cứu xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải và cơm cháy Ninh Bình; phát triển nhãn hiệu chứng nhận gạo Hương Bình từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Ngoài ra, các dự án sở hữu trí tuệ được Trung ương phê duyệt triển khai, tỉnh Ninh Bình cam kết hỗ trợ 30% kinh phí đối ứng của tỉnh.
Có thể nói, việc triển khai các đề tài, dự án sở hữu trí tuệ đã từng bước khẳng định và nâng cao thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tạo lập quản lý, bảo vệ và phát triển trí tuệ, từ đó duy trì danh tiếng, uy tín cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức, cá nhân.
Ngoài việc tổ chức thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến hoạt động sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ còn phối kết hợp với các sở, ngành trong tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp đến cơ quan chuyên môn để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Nhờ đó, trong những năm gần đây đã có hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tư vấn hướng dẫn làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo số liệu thống kê năm 2012, tỉnh Ninh Bình có 55 đơn, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp thì có 31 trường hợp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tăng 19% số văn bằng được cấp so với năm 2011.
Như vậy, với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã trong việc phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ đã góp phần tích cực giữ gìn môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương có lúc, có thời điểm còn diễn ra phức tạp, nhất là vào những thời điểm lễ, tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Đồng thời, do nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế và xu hướng thích dùng hàng giá rẻ đang là một nguyên nhân để nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát triển và ít bị phát hiện, xử lý.
Do đó, trong thời gian tới, để thực thi tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ tới các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, đồng thời tổ chức hội thảo, lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ cho lực lượng kiểm tra. Khuyến khích các chủ nhiệm đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả, công trình khoa học, quy trình sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp, để bảo vệ tài sản trí tuệ, trước hết các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến hoạt động bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với các loại hình tài sản trí tuệ do mình nắm giữ và thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có các biện pháp phù hợp trong sản xuất, kinh doanh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Nguyễn Lựu