Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để các thế hệ trẻ có điều kiện rèn luyện, tu dưỡng, cống hiến và trưởng thành, kế tục xứng đáng truyền thống cách mạng của cha anh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đi lên, với nhiều nguyên nhân khác nhau cũng còn một bộ phận thanh, thiếu niên hư, lười tu dưỡng rèn luyện, sống buông thả dẫn đến vi phạm pháp luật. Nhiều đối tượng trong độ tuổi thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, tụ tập sử dụng ma túy, hình thành các băng, ổ, nhóm tội phạm... tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là: Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, khi mà mạng Internet đến từng nhà và mỗi người. Nhưng điều quan trọng hơn là do có sự buông lỏng quản lý của gia đình, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể xã hội. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị chưa coi trọng công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ.
Để hạn chế thấp nhất đối tượng thanh, thiếu niên hư, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên nhất là số có nguy cơ vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội. Quản lý chặt chẽ hoạt động văn hóa, kịp thời ngăn chặn và phát hiện ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phẩm không lành mạnh đối với thanh, thiếu niên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mô hình, phong trào Nghị quyết và kế hoạch liên ngành về quản lý giáo dục thanh, thiếu niên. Củng cố xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tạo môi trường lành mạnh cho thanh, thiếu niên. Tổ chức ký cam kết giao ước thi đua xây dựng gia đình, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, đảm bảo an ninh trật tự.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý giáo dục học sinh, sinh viên. Chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con em. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, đổi mới phương pháp dạy học tạo hứng thú cho học sinh. Hạn chế thấp nhất, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bạo lực học đường.
Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong thanh, thiếu niên. Đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, tạo sức hấp dẫn với thanh niên, qua đó mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện giúp thanh niên có ý thức phấn đấu, tu dưỡng, sống có mục tiêu, lý tưởng.
Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên, giảm tỷ lệ thất nghiệp, quan tâm đến thanh, thiếu niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và số có quá khứ lầm lỗi. Kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các đường dây, vụ án lôi kéo thanh, thiếu niên vào con đường phạm tội. Đối với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật phải coi trọng giáo dục là chính, tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng.
Coi giáo dục thanh, thiếu niên hư là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội an toàn, thân thiện và bền vững.
Nguyễn Kim