Hơn mười năm trở lại đây, có khi vì kế sinh nhai mà bôn ba, có khi nhàn rỗi mà đi du lịch, cuộc đời là những cuộc du lịch trải nghiệm không ngừng. Cho dù là bôn ba vì kế sinh nhai cũng không quên nhìn núi, ngắm sông, quan sát con người, thăm chùa chiền, miếu mạo, luận bàn việc tôn giáo với các tăng lữ, nghe dân chúng nơi thôn dã giảng giải về quỉ thần, bàn về người, luận về trời cùng các học giả. Cổ ngữ nói: "Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường". Các bậc thánh nhân xưa đã coi hai việc "đọc sách, đi đường" quan trọng như nhau. Nhìn ngày nay soi được cảnh xưa, không đi đường mà chỉ đọc sách, cũng hệt như lấy núi sông trong nét vẽ để thay thế cho núi sông trong cảnh sắc thiên nhiên, được cái ngọn mà bỏ mất cái gốc, cứ lâu dần mãi vậy, đất trời nhỏ hẹp, hoài bão cũng bị hạn hẹp theo. Còn tôi, tích lũy điều tâm đắc hai mươi mấy năm trời, từng có biết bao niềm sung sướng vô hạn trong du lịch, cho nên tuy có nghiện du lịch như điên cuối cùng cũng chẳng có điều chi hối hận, hơn thế ngày lại càng mê hơn.
Người xưa có câu: "Mỹ hỹ Tràng An địa, Dư nãi hà du chi" (đẹp thay đất Tràng An, sao ta không đến đó). Trước khi ra khỏi nhà đi phiêu bạt, tôi đã từng nhìn thấy một góc Tràng An là nơi đẹp nhất trong thiên hạ. Sau khi đi du lịch khắp bốn phương mới biết thiên hạ còn rộng lớn hơn. Lẽ dĩ nhiên, Tràng An tự có những cảnh sắc của nó, linh sơn tú thủy, mĩ nữ tuấn nam, núi non xanh um tùm, tràn đầy sức sống, nước trong xanh thấy tận đáy sâu, nhìn thấy trời trong sáng vô hạn, gõ mạn thuyền trên sóng nước mênh mông, dẫn tới những mộng tưởng vô bờ; lại có nhiều cổ tích khiến cho con người ta suy nghĩ tới những mối u tình thời xưa xa lắc. Ngàn năm trước đây Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã đem quân về kinh đô cứu vạc nhà Đinh, nỗi bất hạnh của hai ông đã làm cho con dân Tràng An xót thương như dao cắt từng khúc ruột, dẫu muốn thờ phụng cho phải đạo, cũng phải ngụy trang vào nơi kín đáo, sợ quan quân triều đình bắt tội, xót thương thay! cây thị nghìn năm nơi Phủ Khống đã lưu lại những cổ tích và truyền thuyết về một thời như thế đã qua. Vua Đinh băng hà, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi đế, để lại biết bao nhiêu cựu tích với truyền thuyết ở Tràng An. Một đời trung thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ càng làm tăng thêm chí khí bi tráng cho giang sơn ở nơi này. Nền văn hóa dân tộc cũng vô cùng độc đáo, đặc sắc, "đền công chúa Phất Kim", "Đình Khê Hạ", "Gò Mả cò", "Chùa Bảo tháp", "Sự tích nhất mộng Liên Hoa", "Sự tích đền Vực Vông" đã ghi lại những phong tình nổi tiếng của người dân ta thủa trước. Hàng trăm, hàng ngàn người họ Đinh, họ Nguyễn, họ Lưu, họ Trịnh phải lưu lạc ở khắp nơi, có người phải vượt biển xa xôi ra ngoài hải ngoại, ai còn, ai mất có nhớ về một Tràng An xưa, về cố hương thăm cổ tìm căn, về với sông Hoàng… Hoa Lư cố đô được thiên thời địa lợi, đất thiêng sinh người giỏi, cho nên ngày càng linh thiêng, như hoa phù dung gặp mưa xuân, cảnh đẹp ngày càng thêm đẹp, điều đó là lẽ cố nhiên, tự ngàn xưa rồi.
Tôi chìm mình trong Hoa Lư cổ kính và tráng lệ, tôi hình dung những tòa nhà đế đô xưa khí phách anh hùng, không đích thân làm một cuộc hành trình thì sao biết được thế nào là rộng lớn, và sùng cao. ở dưới bầu trời Hoa Lư đế đô cổ này, sự hưng phế ba triều Hoàng đế, sự uy nghiêm và xa xỉ của Hoàng tộc đã khiến lòng người vừa khoáng đạt lại vừa bi thương, nhìn ngày nay nhớ lại xa xưa, đã có biết bao nhiêu cảm giác khác không thể nói ra hết được.
Trên chiếc cầu nhỏ nơi kinh đô Hoa Lư dòng người trẩy hội trôi qua như nước chảy trầm tĩnh lặng lẽ, lặng lẽ hoài cổ, lặng lẽ đế đô, những khí phách dạt dào đến tự nơi nào sâu thẳm, nhập vào lồng ngực, khiến cho ta ngộ ra được mối quan hệ giữa con người với cái vĩ đại của thế giới, duy chỉ có nơi này, Tràng An Hoa Lư cố đô mới có mà thôi!
Men theo con đường độc đạo đi về phía Tây, bắt gặp một Tràng An cổ, người quản lý nơi này, ông Nguyễn Văn Son đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian thăm lại di chỉ khảo cổ nơi phát nguồn của con dân Đại Việt…nhặt được những lọ gốm cổ, những mảnh ngói cổ lưng nửa hành trang, lại nhặt được những tiếng than kinh hoàng tràn đầy lồng ngực - nơi đây đã cô đặc nền văn minh tiền kỳ của nước Đại Việt xa xưa...
Lần thứ nhất đi trên con đường Sinh Dược cổ, với danh phận sứ giả của tín đồ "lữ sỹ" tìm về Bái Đính - đất Phật, nơi nổi tiếng về những kỷ lục Guiness trong một ngôi chùa. Đỉnh mái chùa lợp ngói vàng lóng lánh sáng rực một góc trời, 500 pho tượng La Hán dọc hai hành lang lên chùa. Có lẽ ở trong tâm óc người dựng lên ngôi chùa đã khai phá ra một mảnh trời mới, thì ra con người đối với đất trời và tự thân, cuối cùng cũng đã tìm được những phương thức lý giải về sự giàng buộc của con người với thế giới tâm linh thật là vi diệu, thật là cao siêu, đó là một thứ văn hóa tâm linh, là cây cầu nối thế giới này với thế giới khác ở phía bên kia!
Điều lớn lao của Tràng An rung động tôi không chỉ ở nền văn hóa, câu chuyện công chúa Phất Kim tái xuất cùng Ngô Nhật Khánh, nàng đập vỡ chiếc gương, rồi tự gieo mình nơi giếng Ngọc, vì sự trở mặt của chồng, đến cái chết của Ngô Nhật Khánh trên cửa biển Thần Phù có gì đó thật sự bi thảm, thê lương, có gì đó là hệ quả của một sự toan tính bất thành - tôi yêu thích những đoàn người đang lướt qua trên chiếc cầu nhỏ giữa ngày hội Đinh - Lê; những thục nữ thướt tha trong bộ áo dài truyền thống, những chàng trai tráng kiện trở thành những đô vật thực thụ trên sới vật, những ông già râu tóc bạc phơ say mê bên giá vẽ, nét chữ thư pháp tài hoa như rồng bay phượng múa, cái thú chơi chữ, yêu thích văn chương… tất cả giờ đây như đã biến thành những con người khác, tràn đầy chí khí rộng lớn và đáng yêu!
Dòng sông Sào Kê rộng thênh thang, núi Quan Trạng cao lớn sừng sững, cánh đồng Ngô Ngã lúa đang vào thì con gái xanh ngắt phủ kín đôi bờ… Tôi đã từng trèo lên núi Trạng lần tìm cuốn sách người xưa gửi lại, rồi lại từ nơi đó vượt sông Sào Khê lên núi Mã Yên ngắm nhìn về phía đông, nơi có ngọn núi Dũng Đương Sơn, có động Thiên Tôn gắn với huyền tích về vị thần Trấn Vũ giúp vua Đinh dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất sơn hà; nhìn xa hơn là cửa biển Đại An mênh mông sóng vỗ, ngọn núi Phi Diên như một cánh buồm lớn, đưa con tàu rẽ sóng thẳng tiến ra khơi…
Tôi đã từng tận hưởng cái không khí trong lành nơi đại ngàn Cúc Phương. Đêm không trăng, sao mờ nhạt, cùng một người bạn, lao sâu vào động người xưa thần bí, nhìn thấy một con dân Việt cổ khác; thấy một mùi vị khác, mùi vị đó chính là cốc rượu cực mạnh, vị đắng của nó kéo dài lâu, hoàn toàn khác hẳn với vị rượu thơm ngon cất giấu nhiều năm trong những kỳ hang dị động, ở một nơi nào đó mà tôi đã từng qua trên mảnh đất hình chữ S này…
Cảm ơn đại ngàn, cảm ơn thiên nhiên hùng vĩ, cảm ơn trời đất đã sinh ra ta, để làm cuộc hành trình qua miền đất cổ Tràng An, và chính cuộc hành trình ấy đã làm phong phú thêm tri thức của ta, cải biến khí phách ta, trời và đất vốn là một cuốn sách khổng lồ sâu sắc nhất. Sự vĩ đại của nó, quả thực không sao có thể nói hết được.
Tạ Ngọc Hùng