Là một trong 20 ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ 3 xã Kỳ Phú, Cúc Phương và Phú Long (Nho Quan) vào giữa năm 2014 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Bùi Thị Hoa, ở xã Kỳ Phú (Nho Quan) đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hưởng chế độ tuất liệt sỹ hàng tháng cho gia đình chị. Chỉ thời gian ngắn sau, kiến nghị của chị Hoa đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Kết quả, chị đã được hưởng chế độ và còn được truy lĩnh trợ cấp tiền tuất liệt sỹ hàng tháng trong thời gian gần 10 năm với tổng số tiền gần 85 triệu đồng. Được biết, để kiến nghị của chị Hoa được nhanh chóng thực hiện, ngay sau buổi đối thoại, Hội LHPN tỉnh đã giao Ban Chính sách - Luật pháp nắm tình hình, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và nội dung liên quan đến ý kiến đề nghị của hội viên Bùi Thị Hoa. Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và nhanh chóng giải quyết chế độ cho chị Hoa. Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Hội LHPN tỉnh với cán bộ, hội viên 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn tháng 4-2015 vừa qua, chị Vũ Thị Mai, xã Kim Đông nêu ý kiến: Đã nhiều năm nay, gia đình chị đầu tư nuôi tôm sú, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như tác động của thời tiết, gia đình chưa nắm vững quy trình nuôi, chất lượng giống chưa tốt… nên việc nuôi tôm sú không ổn định, thu nhập bấp bênh. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản còn thiếu; người nuôi tôm gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu vốn sản xuất, nguồn vay tín dụng không thuận lợi, mức lãi suất cao; cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Cùng với đó, công tác quản lý kiểm soát môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát các dư lượng hóa chất sử dụng trong nuôi tôm còn thiếu và yếu… Từ những yếu tố thuận lợi và khó khăn đó, chị Mai đề xuất với các cấp hội phụ nữ tạo điều kiện tập huấn chuyển giao KHKT, có chính sách trợ giúp lãi suất, tín chấp cho vay vốn ưu đãi, tìm nguồn giống và đầu ra đảm bảo…, góp phần động viên người nuôi trồng thủy sản, nhất là chị em phụ nữ. ý kiến đề xuất này được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ 3 xã bãi ngang đồng tình, hưởng ứng.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh và lãnh đạo huyện Kim Sơn đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị mà cán bộ cơ sở, hội viên, phụ nữ đã đề cập. Những vướng mắc, kiến nghị của chị Mai và đông đảo chị em phụ nữ 3 xã bãi ngang đã cơ bản được trả lời, làm rõ và giải quyết kịp thời, được đa số chị em đồng tình, ủng hộ.
Đồng chí Vũ Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên thông qua đội ngũ cán bộ các cấp trao đổi trực tiếp với hội viên trong các kỳ sinh hoạt hội viên, kiểm tra, giám sát hoạt động ở cơ sở... Đặc biệt, trong năm 2014, thực hiện Quyết định số 1248 của Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đối thoại trực tiếp đối với cán bộ, hội viên phụ nữ. Đây là dịp để lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ Hội cơ sở, hội viên, phụ nữ để kịp thời có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với cán bộ Hội cơ sở, hội viên, phụ nữ nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại ở các huyện, thị xã trong tỉnh liên quan đến các vấn đề về công tác hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tại các buổi đối thoại đã có hàng trăm ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, phụ nữ về các nội dung, như: Xuất khẩu lao động, thủ tục kết hôn với người nước ngoài; điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, chính sách đối với cán bộ chi hội; việc hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm; việc miễn giảm hội phí, hỗ trợ quà Tết cho cán bộ chi hội; vấn đề dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cá nhân với nhau; xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng; chế tài xử phạt đối với hành vi bạo lực gia đình, sinh con thứ 3; quy định về nhận nuôi con nuôi; chế độ cho người lao động khi thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp...
Qua các buổi đối thoại, hầu hết những ý kiến đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên, phụ nữ đều được lãnh đạo Hội và đại biểu các ngành liên quan tiếp thu, trả lời, giải thích, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên được cung cấp thông tin luật pháp, chính sách trên các lĩnh vực làm tăng thêm sự hiểu biết và củng cố niềm tin pháp lý, tự giác chấp hành pháp luật và giải quyết vấn đề pháp lý của mình.
Kết quả bước đầu cho thấy, đối thoại thực sự là cầu nối để cán bộ chi hội, hội viên, phụ nữ tiếp cận và trực tiếp bày tỏ với người đứng đầu tổ chức Hội, các ngành liên quan về những tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất chính đáng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến cán bộ Hội, hội viên ở cơ sở và bình đẳng giới. Đồng thời là giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả, thiết thực, củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên, phụ nữ đối với tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Mỹ Hạnh