Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", ngay từ khi ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động ở cấp tỉnh và ban hành Thông tri số 32-TT/TU về tổ chức thực hiện Cuộc vận động, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện tốt những nội dung yêu cầu của Cuộc vận động. Ban chỉ đạo ở 3 cấp được thành lập đã cụ thể hóa các nội dung Cuộc vận động bằng những tiêu chí phù hợp với từng địa phương. ở các huyện, thành phố đã xây dựng mô hình điểm ở đơn vị cấp xã, phường, thị trấn để rút kinh nghiệm nhân rộng. Ban công tác Mặt trận và ủy ban MTTQ cấp xã xây dựng kế hoạch vận động cụ thể tới từng khu dân cư để vận động các gia đình đăng ký thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Các chi bộ đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động làm nội dung sinh hoạt hàng tháng và coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đồng thời cũng là tiêu chuẩn để hàng năm phân loại đảng viên và xét công nhận chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh. Sau 20 năm thực hiện, với cách làm sáng tạo, chủ động, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội, phát huy dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp trong cộng đồng dân cư. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những nội dung được nhân dân quan tâm, bằng những việc làm cụ thể như: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ hợp sản xuất hàng hóa, tiểu thủ công nghiệp… Các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa được hình thành, vùng nuôi trồng thủy hải sản ven biển huyện Kim Sơn, kinh tế vườn đồi và trang trại trồng cây ăn quả ở thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao năng suất lao động, thu nhập bình quân và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động nghèo. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đứng ra tín chấp cho các gia đình hội viên vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội hàng nghìn tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 17,9% (năm 1997) xuống còn 8,6% năm 2004 (theo tiêu chí cũ). Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 8% (theo tiêu chí mới), đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,92%.
Một nội dung quan trọng của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đó là việc tham gia giúp đỡ người nghèo và ủng hộ Quỹ "Ngày vì người nghèo" cũng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cán bộ, nhân dân nhiệt tình tham gia ủng hộ. Thông qua Cuộc vận động, đã có hàng nghìn hộ nghèo được trợ giúp, có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Từ năm 2000 đến tháng 9-2015, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ quyên góp và tiếp nhận được trên 69 tỷ đồng ủng hộ Quỹ "Ngày vì người nghèo", số tiền dùng để xây mới và sửa chữa được 10.342 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo... Cùng với đó, thông qua Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo… được nhân dân tiếp tục duy trì, phát huy và mở rộng ở các khu dân cư với những hoạt động phong phú để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với đất nước. Các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đã đóng góp hàng chục tỷ đồng vào quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, người có công.
Các nội dung khác của cuộc vận động như: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp; đoàn kết, phát huy dân chủ, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết tương trợ giúp nhau trong cộng đồng… cũng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng đạt nhiều kết quả tích cực. Qua 20 năm triển khai, từ 145 khu dân cư làm điểm ban đầu, đến nay, toàn tỉnh có 1.330/1.682 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (chiếm tỷ lệ 79,5%); 80% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 1.238 khu dân cư đã có nhà văn hóa; trên 90% các tuyến đường giao thông được cứng hóa; hơn 90% kênh mương được kiên cố; hơn 80% hộ gia đình được dùng nước sạch… Các hủ tục, mê tín dần được loại bỏ, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. ở các khu dân cư, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm luôn được người dân giữ gìn, phát huy. Đặc biệt, phát huy truyền thống hiếu học, phong trào xã hội hóa học tập đã được phát triển mạnh mẽ đến các gia đình, dòng họ, làng xóm, phố phường… trong đó phải kể tới rất nhiều mô hình "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Làng, xóm, phố hiếu học", nhiều dòng họ và khu dân cư đã xây dựng được Quỹ khuyến học để động viên, khuyến khích con em tích cực học tập tại các địa phương. Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 80% số trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, 26.253 gia đình đạt gia đình hiếu học. 100% xã, phường, thị trấn đã xây được trường học kiên cố, có hơn 80% trường học cao tầng.
Những kết quả sau 20 năm thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" cho thấy Cuộc vận động đã đi vào lòng dân, trở thành động lực quan trọng để phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Mai Lan