Sự chỉ đạo từ tỉnh đến các huyện, thị, xã, phường, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác trợ giúp pháp lý đã có những chuyển biến tích cực, niềm tin của người dân đối với cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được khẳng định. Hoạt động TGPL ở Ninh Bình đã và đang là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng thiệt thòi khi có những vướng mắc về pháp luật.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Cùng với các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Dương, năm 2006, Ninh Bình được chọn là đơn vị thực hiện Dự án hỗ trợ hệ thống TGPL giai đoạn 2005 - 2009, thêm một lần nữa khẳng định vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại Ninh Bình trong chương trình nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cộng đồng dân cư, góp phần vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi tiếp nhận những nội dung, yêu cầu của Dự án, Sở Tư pháp Ninh Bình đã chủ động mở hội nghị quán triệt nội dung Dự án trong cán bộ chủ chốt của ngành (từ trưởng, phó các phòng nghiệp vụ đến trưởng, phó phòng tư pháp các huyện, thị), tiến hành việc thông báo nội dung Dự án và ký kết quy chế phối hợp với 4 cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, công an, luật sư) trong việc "Bào chữa miễn phí" để bảo vệ quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý; phối hợp với 5 đoàn thể trong tỉnh (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên) về công tác trợ giúp pháp lý miễn phí để thống nhất nội dung thực hiện Dự án. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL đã ký kết hợp đồng thông tin tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý miễn phí với các cơ quan chức năng ở địa phương, kết quả: Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh đã thực hiện 18 buổi phát tin về nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý trong tỉnh, Báo Ninh Bình đã thực hiện các chuyên mục "TGPL Ninh Bình" và đưa tin về hoạt động TGPL trên 4 bản tin Tư pháp hàng quý của tỉnh; in ấn 102 bảng "Hướng dẫn về đối tượng và phương thức TGPL" để niêm yết ở phòng tiếp dân của 57 xã, thị trấn thuộc huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (Nho Quan và Kim Sơn), tại trụ sở của 6 đoàn thể cấp tỉnh và nơi làm việc tại 35 cơ quan của 4 ngành từ cấp huyện đến cấp tỉnh (Văn phòng Luật sư, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân) để tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ và nhân dân trong tỉnh biết thêm về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức TGPL, quyền và nghĩa vụ của đối tượng được hưởng TGPL miễn phí của Nhà nước. Theo yêu cầu và kế hoạch của dự án, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL tỉnh Ninh Bình đã phối hợp phòng Tư pháp các huyện, thị tổ chức 3 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho 178 cộng tác viên TGPL tại huyện Kim Sơn, các chi nhánh TGPL và các đoàn thể trong tỉnh về một số nội dung cơ bản của Luật TGPL, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện TGPL, cách thiết lập và củng cố hồ sơ các vụ việc TGPL...
Những kết quả đáng ghi nhận
Hoạt động TGPL miễn phí tại Ninh Bình thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng được hưởng sự trợ giúp thông qua các hình thức tư vấn, đại diện bào chữa tại Trung tâm TGPL, các chi nhánh TGPL, các câu lạc bộ TGPL và tại các phiên tòa. Qua 1 năm thực hiện Dự án "Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý", toàn tỉnh đã thụ lý 505 trường hợp có yêu cầu về TGPL, trong đó 162 trường hợp do Trung tâm tỉnh thực hiện, 343 trường hợp do 8 chi nhánh TGPL huyện, thị thực hiện. Tất cả các yêu cầu đều được giải thích, hướng dẫn thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong 162 trường hợp tư vấn tại Trung tâm TGPL tỉnh, có nhiều vụ việc phức tạp, Trung tâm đã cử cán bộ làm việc với 17 cơ quan để xác minh và thống nhất hướng giải quyết những vướng mắc của công dân, đã lập 16 văn bản trả lời yêu cầu TGPL với từng người dân và 13 kiến nghị với cơ quan hữu quan để xem xét và giải quyết nội dung các vụ việc của người được TGPL. Tại các cơ quan tiến hành tố tụng đã trực tiếp thông tin và hướng dẫn cho 57/82 trường hợp thuộc diện TGPL miễn phí đến Trung tâm làm thủ tục tiếp nhận yêu cầu TGPL. Trung tâm đã cùng Đoàn Luật sư tiến hành hợp đồng với các văn phòng luật sư để chọn và cử luật sư tham gia hoạt động tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 82 trường hợp. Ngành Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đã tạo điều kiện cho luật sư hoàn thành việc bào chữa cho 64/82 trường hợp. Hầu hết những trường hợp luật sư tham gia bào chữa đều đạt kết quả, không có trường hợp nào vướng mắc về thủ tục hoặc đối tượng phàn nàn về thái độ và khả năng bào chữa của luật sư.
Với phương châm TGPL đảm bảo "đúng địa bàn, đúng diện đối tượng, đúng nội dung sự việc và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương", trên cơ sở trách nhiệm được phân công, Trung tâm TGPL tỉnh đã phối hợp với chi nhánh TGPL tại các huyện, thị và các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu TGPL của công dân, tổ chức thành công việc thực hiện TGPL lưu động tại 36 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, qua đó trực tiếp TGPL cho 522 người với các yêu cầu thuộc các lĩnh vực: đất đai, hộ tịch, thi hành án, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách. Tại các điểm TGPL lưu động, Trung tâm TGPL tỉnh đã phối hợp với Phòng tuyên truyền thuộc Sở Tư pháp cùng phòng Tư pháp các huyện, thị tổ chức 9 buổi tuyên truyền giới thiệu nội dung các đạo luật cho 3.256 công dân.
Cùng với việc tổ chức các đợt TGPL lưu động tại cơ sở, Trung tâm TGPL tỉnh đã phối hợp với Phòng tư pháp các huyện, thị tiến hành khảo sát và xúc tiến thành lập 10 CLB TGPL tại các đơn vị: xã Khánh Hải, Khánh Cường, Yên Nhân, Yên Mạc, Khánh Dương, Khánh Thượng, Yên Lộc, thị trấn Phát Diệm, phường Trung Sơn, xã Gia Hòa của các huyện, thị trong tỉnh. Định kỳ mỗi tháng một buổi, các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt với nhiều loại hình phong phú. Nội dung các buổi sinh hoạt tập trung vào việc thông tin về hoạt động tư pháp ở địa phương, giới thiệu về nội dung các đạo luật mới ban hành, trao đổi kinh nghiệm xử lý các vụ việc tại cơ sở.
Thiều Thị Tú (Sở Tư pháp)