Cách làm hay từ cơ sở
Xuất phát điểm khi xây dựng NTM, xã Khánh Trung mới đạt 7/19 tiêu chí. Điều khiến cấp ủy, chính quyền cũng như Hội Phụ nữ xã băn khoăn, lo ngại là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có hội viên phụ nữ về chủ trương này chưa đầy đủ.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã ở mức cao, trong đó có 159 hộ nghèo do nữ đứng chủ. Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ xã xác định, với số lượng hội viên đông đảo chiếm trên 50% dân số toàn xã, nếu chị em tham gia tích cực sẽ có tác động mạnh mẽ đến kết quả xây dựng NTM, do đó Hội chủ động tìm các giải pháp trọng tâm để thực hiện như tuyên truyền, vận động; chung tay giúp phụ nữ thoát nghèo…
Để tạo bước chuyển trong cách nghĩ, cách làm cho hội viên phụ nữ, Hội đã kiên trì tuyên truyền, vận động thông qua tư vấn trực tiếp, các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Chị em đã thực sự vào cuộc với việc vận động gia đình hiến trên 23 nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công, trên 10 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, xây kênh mương, cầu cống, nhà văn hóa…
Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ xã cũng đã giúp 117 hộ nghèo do nữ đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 13,89% năm 2011 xuống còn 6,2% (tiêu chí mới).
Đặc biệt, Hội quan tâm đến tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường, vì trong điều kiện xã chưa có khu xử lý rác thải riêng, dân số lại đông nếu không có biện pháp hạn chế lượng rác thải ngay từ mỗi gia đình thì sẽ tốn kém công sức, tiền bạc cho việc vận chuyển, xử lý rác.
Được Đảng ủy xã giao là lực lượng chủ đạo trong công tác vệ sinh môi trường, Hội đã gắn nhiệm vụ này với việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", chú trọng xây dựng và nhân diện các mô hình.
Trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 tiêu chí: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, hướng dẫn chị em phân loại và xử lý rác thải từ gia đình, duy trì phong trào "Ngày chủ nhật sạch", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", trồng hơn 5.000 cây xanh trong vườn nhà, nhà văn hóa thôn và các tuyến đường…
Với những đóng góp không nhỏ của Hội Phụ nữ, tháng 9-2015 xã Khánh Trung được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Cũng như Hội Phụ nữ xã Khánh Trung, ở nhiều địa phương khác trong huyện, Hội Phụ nữ đã tích cực vào cuộc, lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn để tham gia xây dựng NTM trên cơ sở những giải pháp chung của Huyện hội.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, công tác tuyên truyền đã được các cấp Hội Phụ nữ trong huyện coi là khâu then chốt vì chị em có hiểu thì mới đồng thuận và thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu được triển khai thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ...
Qua đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy vai trò chủ thể và tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực hiện dồn điền, đổi thửa, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư..., góp phần tham gia thực hiện các tiêu chí NTM.
Nhờ đó trong giai đoạn 2010-2015, các gia đình đã tự nguyện hiến trên 30 nghìn ngày công lao động, hàng chục tỷ đồng, 328.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa thôn...
Ngoài ra, chị em còn tích cực tham gia chỉnh trang nhà cửa, đồng ruộng, làm thủy lợi nội đồng, dồn điền, đổi thửa.
Đến nay, trung bình mỗi hộ còn 1,26 thửa ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiến tới thực hiện "3 không" trong sản xuất nông nghiệp đó là không cấy, không gặt, không phơi.
Không chỉ chú trọng tuyên truyền, vận động, khi triển khai xây dựng NTM, các cấp Hội Phụ nữ đã thực sự thể hiện được vai trò của mình trong việc hỗ trợ, giúp đỡ chị em về mọi mặt, nhất là phát triển kinh tế. Xác định tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là tiêu chí trọng tâm, có ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các tiêu chí khác, hàng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm tình hình, phân loại hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Các cấp Hội tín chấp trên 200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 11 nghìn hội viên phụ nữ vay vốn, trong đó có gần 6 nghìn lượt hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo. Để đồng vốn có hiệu quả cao, hàng năm, 100% cơ sở Hội, 90% số chi hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT cho trên 116 nghìn lượt hội viên phụ nữ; tín chấp 258 tấn phân bón trả chậm với số tiền trên 3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ sản xuất. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp tổ chức 98 lớp dạy nghề đan bèo bồng, thêu ren, may xuất khẩu cho 3.713 lượt người.
Hỗ trợ và giới thiệu cho trên 3.000 phụ nữ và con em làm việc trong các doanh nghiệp, tổ hợp thu nhập bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều chị em đã áp dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, mở rộng các trang trại, gia trại chăn nuôi con đặc sản cho giá trị kinh tế cao, tạo được việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi.
Hội Phụ nữ huyện cũng đã tham mưu, vận động các các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 17 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo đứng chủ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 775 triệu đồng.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp trên 1.250 phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 279 phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện từ 15,34% (năm 2011) còn 5,6% năm 2015 (theo tiêu chí mới).
Cũng được coi là một trong những cách làm hay trong xây dựng NTM, việc xây dựng, nhân diện các mô hình, điển hình được Hội Phụ nữ huyện chú trọng, mang lại hiệu quả rõ nét. Hội Phụ nữ huyện đã chủ động đăng ký xây dựng mô hình "Dân vận khéo".
Trong quá trình thực hiện, cán bộ Hội tuân thủ nguyên tắc nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của địa phương, có sức lan tỏa để tổ chức làm trước, làm điểm như: phát động nhân dân tự chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, làm vệ sinh môi trường, hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...; luôn quan tâm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các hoạt động để có mô hình trở thành điển hình, có cách làm hay, sáng tạo.
Qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần làm chủ, tự nguyện, đồng thuận, đoàn kết, sống có nghĩa, có tình của các tầng lớp phụ nữ.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã chủ động triển khai có hiệu quả một số chương trình, đề án góp phần tăng tỷ lệ gia đình được dùng nước sạch, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về sản xuất, sinh hoạt sạch hơn vì cộng đồng và phát triển bền vững.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn huyện góp phần đưa 10 xã đạt chuẩn NTM, huyện Yên Khánh trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thực hiện phong trào xây dựng NTM.
Đào Duy