Với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Hội đã quan tâm đặc biệt đến phụ nữ nghèo, phụ nữ đứng chủ, phụ nữ tàn tật, cô đơn... thông qua các hoạt động như tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa cây trồng, con nuôi có năng suất cao vào sản xuất, đẩy mạnh làm cây vụ đông, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến tháng 9-2015, Hội Phụ nữ huyện Nho Quan đang quản lý hơn 93 tỷ đồng ở 143 tổ, cho 5.210 hộ vay. Hoạt động tư vấn, chuyển giao KHKT được thực hiện ở 100% cơ sở và hơn 80% chi hội về gieo cấy và chăm sóc lúa giống mới, trồng cây có năng suất giá trị cao, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng phân hóa học... ở nhiều chi hội, chị em chỉ bảo, hướng dẫn giúp đỡ nhau theo hướng cầm tay chỉ việc để giúp phụ nữ có kiến thức, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất, từng bước thoát nghèo, tăng thu nhập. Đặc biệt, trong những năm qua, hoạt động tương thân, tương ái được các cấp Hội quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Hội phụ nữ cơ sở khảo sát, xác định nguyên nhân nghèo, đăng ký giúp các hộ phụ nữ thoát nghèo (bình quân 3 hộ thoát nghèo/năm). Hội phụ nữ cơ sở tích cực phát động phong trào giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều hình thức như cho vay không lãi, giúp nhau ngày công, con giống… với tổng giá trị trên 900 triệu đồng. Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân và các HTX mở các lớp dạy nghề móc hộp, đính hạt cườm, đan làn nhựa, kỹ thuật nuôi thỏ, nuôi gà, trồng nấm, trồng rau, trồng ớt cho trên 3.000 hội viên, phụ nữ tham gia. Ngoài ra, Hội phụ nữ cơ sở còn phát động hội viên thực hiện tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, đã thành lập được 502 chi, tổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng, giúp cho gần 3.400 hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi, hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Từ năm 2011 đến nay, phụ nữ trong huyện đã giúp 385 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện, nhiều hộ vươn lên xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng, trở thành hộ khá giả, hộ giàu.
Hưởng ứng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Hội phụ nữ cơ sở đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tham gia có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng gia đình văn hóa, chỉnh trang nhà cửa. Kết quả, hội viên, phụ nữ trong huyện xây dựng trên 2.000 công trình Biogas, nước sạch, vệ sinh tự hoại; xây dựng 186 mô hình phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường. Hầu hết các Hội phụ nữ cơ sở tổ chức cho hội viên tổng vệ sinh nơi ở và khu công cộng vào ngày cuối tháng; có 195/286 chi hội dọn vệ sinh hàng tuần và nhận thu gom rác thải theo mô hình "Ngày thứ 7 sạch"; trên 1.200 hộ gia đình đào hố tự hủy rác tại nhà; 25 chi hội mua trên 800 chiếc làn nhựa phát cho hội viên để hạn chế sử dụng túi nilon và hơn 100 xô đựng rác. Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo xây dựng điểm 7 mô hình "Phụ nữ thực hiện gia đình 3 sạch tham gia xây dựng nông thôn mới" ở 7 xã (Đồng Phong, Văn Phong, Lạng Phong, Phú Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Quang và Văn Phú). Năm 2014, được sự quan tâm của Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo thực hiện thành công mô hình "Xử lý rác thải tại gia đình" cho trên 300 hộ ở 3 xã Phú Lộc, Đồng Phong và Lạc Vân, góp phần giữ gìn vệ sinh trong gia đình, đường làng ngõ xóm, bảo vệ môi trường sống của gia đình và cộng đồng.
Đến nay, ở hầu hết các địa phương trong huyện, nhất là ở những xã đã về đích, những xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đều đánh giá rất cao và ghi nhận vai trò to lớn, tích cực của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc thực hiện tiêu chí 17 nói riêng và công tác vệ sinh môi trường nói chung. Hiện nay, trên địa bàn huyện, 9 xã có các đội thu gom rác thải do Hội Phụ nữ quản lý, 7 xã có các tổ thu gom rác thải do Hội Phụ nữ đảm nhận hoạt động cùng các tổ của các đoàn thể khác. Nguồn kinh phí từ hoạt động này cơ bản được sử dụng làm quỹ Hội, một phần chi trả công lao động trực tiếp cho người đi thu gom. Bên cạnh đó, Hội còn vận động hội viên, phụ nữ đóng góp tiền của, ngày công tham gia xây dựng các công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, làm kênh mương, thủy lợi nội đồng. Đã có gần 2.500 hộ phụ nữ hiến đất, phá dỡ tường bao, cây cối, hoa màu, vật liệu khác… để xây dựng nông thôn mới
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp hội phụ nữ, sau hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, số xã đạt nông thôn mới của huyện Nho Quan ngày càng tăng, nhiều xã đẩy nhanh các tiêu chí như thu nhập, giảm nghèo, môi trường…, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hội viên, phụ nữ. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản trong hoạt động, công tác Hội theo hướng ngày càng được đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Cán bộ, hội viên có ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình tham gia công tác Hội, làm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Hạnh Chi