Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Toàn tâm sự: Cách đây không lâu, mảnh đất này còn phải chịu cảnh nghèo, đói. Cả xã có hơn 1.000 hộ, với hơn 5.000 nhân khẩu thì có tới 60% số hộ thuộc diện đói, nghèo. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào dân tộc xã Phú Long đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tìm ra hướng đi đúng trên con đường xóa đói, giảm nghèo.
Phú Long đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, tăng nhanh giá trị trên mỗi ha canh tác. Cả xã có 3.143 ha đất canh tác, trong đó có 1.435 ha đất nông nghiệp, còn lại là đất đồi rừng. Diện tích đất nông nghiệp trước đây trồng sắn, khoai, cây dong giềng cho thu nhập thấp, một số ít diện tích thì được làm lúa nương. Từ chỗ chỉ gieo cấy bằng các giống lúa dài ngày, năng suất thấp, người dân Phú Long đã tiến tới cấy lúa ngắn ngày và áp dụng các biện pháp KHKT vào thâm canh. Cả xã có 18,5 ha cấy lúa đông xuân, 69 ha cấy lúa mùa. Từ chỗ năng suất chỉ đạt 20 - 30 tạ/ha/năm, đến năm 2008-2009 đã đạt con số hơn 80 tạ/ha/năm, trong đó lúa mùa đạt năng suất hơn 45 tạ/ha/vụ. Con số này đối với nơi khác thì không cao, nhưng đối với đồng đất Phú Long là một đổi thay lớn. Ngoài ra, mấy năm qua Phú Long đã tập trung phát triển cây rau, màu vụ đông cho thu hoạch khá, điều này trước kia người Phú Long chưa nghĩ đến. Cùng với cây lúa nước, người dân Phú Long đã bỏ cây dong giềng, cây sắn, cây khoai để trồng những cây trồng có giá trị kinh tế cao như ngô, lạc, mía, dứa…
Hiện tại mỗi năm Phú Long trồng 210 ha ngô, 60 ha lạc. Đến Phú Long vào mùa thu hoạch ngô, lạc mới thấy dân ở đây giàu có, nhà ít cũng có 5-10 tạ ngô, vài ba tạ lạc, có gia đình thu được 10 tấn ngô, 2-3 tấn lạc. Phát huy thế mạnh của một xã đồi rừng, Phú Long còn đẩy mạnh trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng. Mỗi năm cả xã trồng 210 ha mía, năng suất đạt 50 tấn/ha; hơn 50 ha dứa, thu nhập mỗi ha hơn 50 triệu đồng.
Anh Thiệu Quang Hành đầu tư chăn nuôi lợn theo kỹ thuật tiên tiến.
Để phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, Phú Long còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Hiện nay, cả xã có hơn 900 con trâu, 2.359 con bò, trong đó có 1.180 con bò lai sind. Đàn lợn 1.262 con được chăn nuôi với quy mô nhỏ ở hộ gia đình và hơn 4.000 con được chăn nuôi theo mô hình công nghiệp. Ngoài ra, cả xã còn có 573 đàn ong, 94 con hươu, 1.360 con dê và nhiều con nuôi đặc sản như nhím, thỏ, cừu và gia cầm khác. Hiện tại, Phú Long có hàng trăm trang trại tổng hợp mỗi trang trại cho thu nhập 100-150 triệu đồng/năm.
Đầu tư phát triển ngành nghề, dịch vụ
Kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, lương thực không những đủ ăn mà còn có dự phòng, nhưng để xóa hẳn đói, nghèo, Đảng bộ và nhân dân Phú Long còn đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ. Hiện nay, Phú Long có nhiều hộ phát triển nghề chế biến nông sản như: ép mía lấy mật, xay xát gạo, nghiền ngô phục vụ cho chăn nuôi. Trên địa bàn xã còn có hơn 30 hộ phát triển nghề may mặc, 20 hộ sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Toàn xã có 5 gia đình mua xe ô tô tải và ô tô khách làm dịch vụ, phục vụ cho nhân dân trong xã và các xã lân cận. Các loại máy làm đất, làm dịch vụ ở Phú Long vài chục hộ lại có một máy làm đất; thôn, bản nào cũng có nhà có máy làm đất lớn. Những năm trước đến Phú Long đôi khi phải đi dăm, bảy cây số mới thấy có một quán ăn, quán bán tạp phẩm, nay đi đến đâu cũng có quán ăn, cửa hàng bán quần áo, sách vở và các loại vật dụng cần thiết phục vụ dân sinh. Ở Phú Long bây giờ có cả những quán ăn đặc sản không kém gì nơi thị thành. Chỉ dăm, bảy năm trước, người dân Phú Long muốn mua phân đạm, ka li, thuốc trừ sâu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phải đi xa tới 5- 6 km, nay cả xã có tới hơn 20 đại lý lớn, nhỏ phục vụ. Dịch vụ ở Phú Long bây giờ chuyên nghiệp hơn trước, chẳng hạn nhà nào cần phân đạm, phân lân số lượng bao nhiêu, các hộ làm dịch vụ cũng đáp ứng đủ và có thể giao đến tận nhà. Theo số liệu báo cáo của UBND xã trước kỳ họp HĐND vừa qua, hiện tại ở Phú Long mỗi năm đạt giá trị thu nhập khoảng gần 30 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Do đặc thù là một xã miền núi vùng cao có tới hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Mường, trình độ dân trí không đồng đều nên mặc dù nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, nhưng sự phát triển ở đây chưa thật sự đồng đều. Phú Long vẫn còn hộ đói, hộ nghèo. Để xóa đói, giảm nghèo địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ để người dân nơi đây giúp nhau cùng xóa đói, giảm nghèo. Việc giúp nhau phát triển kinh tế giữa làng, bản này với làng, bản khác, giữa các gia đình cùng bản, cùng làng với nhau và gia đình… đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng. Dù cách giúp đỡ nhau của các hộ bằng nhiều cách nhưng cùng chung mục đích là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống. Phú Long đã sớm thành lập Câu lạc bộ trang trại để cùng nhau phát triển kinh tế. Có sự chỉ đạo của Câu lạc bộ, nhiều chủ trang trại đã tự nguyện nhận và giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn để phát triển kinh tế. ở Phú Long xuất hiện hình thức kết nghĩa giữa các hộ gia đình người Kinh với người dân tộc Mường. Việc làm này đã tạo ra tình đoàn kết gắn bó, giúp nhau vượt qua khó khăn. Ngoài ra, có sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể của xã đã đứng ra vận động các gia đình hội viên khá giúp đỡ hội viên nghèo dưới nhiều hình thức, như cho nhau vay con giống không lãi, giúp công, giúp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, mở hướng đi phù hợp cho các hộ nghèo ở địa phương. Hoạt động của các tổ vay vốn, tổ xóa đói, giảm nghèo khá hiệu quả. Các tổ vay vốn đứng ra tổ chức cho hội viên vay vốn đi tham quan các mô hình kinh tế, sau đó áp dụng những mô hình, kiến thức đã thu được vào thực tế sản xuất ở địa phương. Thành công trong việc xóa đói, giảm nghèo ở Phú Long không thể không kể đến công sức của đội ngũ cán bộ từ xã đến các thôn bản. Đội ngũ này thường xuyên bám bản, bám làng, gần gũi với nhân dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp.
Với việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, cộng với sự giúp đỡ kịp thời của các chính sách của Đảng như: Chương trình 135, 134… Phú Long đã đổi thay, hiện tại tỷ lệ hộ đói, nghèo của xã chỉ còn 16,24% theo tiêu chí mới. Kinh tế phát triển, Phú Long có điều kiện để xây dựng nông thôn mới. Đường vào Phú Long bây giờ không còn khó khăn như trước nữa, xe ôtô to, nhỏ đã đến được 100% các thôn, bản trong xã. Nhiều tuyến đường được đổ bê tông thuận tiện cho việc đi lại giao lưu kinh tế, văn hóa với các xã miền xuôi. Các trường học ở các bậc học đã được xây dựng khang trang. Trạm y tế của xã có đủ cán bộ và các thiết bị cần thiết phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. 100% thôn, bản đã có điện thắp sáng. Hầu hết các gia đình đều có ti vi, xe máy, nhiều nhà đã có cả ô tô. Con em người dân tộc Phú Long hôm nay có điều kiện học tập chẳng thua kém gì các xã miền xuôi của huyện. Đó chính là thành quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nơi đây.
Bài, ảnh: Trần Dũng