Có mặt tại hội thi giáo viên giỏi bậc học mầm non huyện Gia Viễn được tổ chức vào những ngày cuối tháng 12 -2015 vừa qua, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước những mô hình đồ dùng, đồ chơi tự làm của các nhà trường. Từ hình con vật ngộ nghĩnh, những mô hình vật dụng trong sinh hoạt gia đình đến những bông hoa đủ màu khoe sắc trong khu vườn mùa xuân… điều đặc biệt là những mô hình sống động đó đều được làm từ các loại phế liệu, phế thải. Từ những vỏ hộp sữa chua, các cô giáo có thể tạo ra bộ bàn ghế, từ vỏ chai nước ngọt được chế tác cho ra đời mô hình chiếc máy xay sinh tố, từ những sợi rơm vàng óng cho ra đời những con tôm sinh động… Tất cả những mô hình đều sống động, đẹp mắt. Mỗi nhà trường một ý tưởng, mỗi cô giáo một sự sáng tạo để tạo ra những đồ dùng, đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ song điểm chung của các mô hình này đó là đều thể hiện được niềm đam mê yêu nghề, mến trẻ, sự khéo léo, sáng tạo và tinh thần bền bỉ của mỗi cô giáo mầm non. Tới tham quan mô hình "Khu vườn mùa xuân" của các cô giáo Trường Mầm non Gia Vượng, cô giáo Đặng Thị Tuyên cho biết: Với những hình ảnh sống động thì việc dạy cho trẻ làm quen với biểu tượng toán sơ đẳng, học âm nhạc, nhận biết môi trường sống xung quanh… trở nên hiệu quả hơn. Việc sử dụng đồ chơi, đồ dùng tự tạo không chỉ mang tới lợi ích cho việc học tập của trẻ mà còn góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống cho trẻ ngay từ tuổi mầm non. Phong trào sáng tạo đồ dùng dạy học ở bậc học mầm non đã mang lại hiệu quả thiết thực: giáo viên giảng dạy hăng say hơn, học sinh tư duy năng động hơn… nhờ có trực quan sinh động. Tuy phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả, tác dụng của đồ dùng dạy học tự làm đã động viên, cổ vũ giáo viên khắc phục mọi khó khăn, say mê sáng tạo… Điều đặc biệt là các sản phẩm tự biên tự diễn ấy thường được làm từ những nguyên vật liệu rẻ tiền, tận dụng tối đa các loại phế liệu phế thải. Nhiều phụ huynh còn giúp giáo viên sưu tầm và đóng góp vật liệu cho giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi dạy học
Cũng như Trường Mầm non Gia Vượng, ở Trường Mầm non Gia Tân phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi trong học tập cũng được tập thể giáo viên trong trường đặc biệt chú trọng. Cô giáo Đặng Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng đồ dùng, đồ chơi mà nhà trường mua sắm được hàng năm rất ít, do nguồn kinh phí hạn chế. Muốn có được những tiết học sinh động, thu hút các bé, giúp các bé thêm hứng thú mỗi ngày đến trường thì nhà trường rất khuyến khích giáo viên sáng tạo, tạo ra những đồ dùng, đồ chơi ngộ nghĩnh. Hàng năm, cứ vào dịp ngày khai giảng và kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam là nhà trường lại phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi rộng khắp tới toàn thể giáo viên trong nhà trường. Những ngày đầu phát động phong trào này, chỉ có số ít giáo viên chịu khó sáng chế ra các đồ chơi cho trẻ, sau đó thêm nhiều cô khác cũng bắt tay để hưởng ứng phong trào nên đồ dùng dạy học của các khối lớp càng thêm phong phú. Các cô giáo làm đồ chơi theo chủ đề, chủ điểm như: đồ lao động gắn bó với người dân nông thôn như: bay, liềm, cuốc; đồ dùng trong gia đình như dép, ấm chén, tủ; đồ vật sống dưới nước như tôm, cá… Các sản phẩm này không chỉ rẻ tiền mà còn góp phần làm hạn chế rác thải môi trường…
Để khuyến khích giáo viên các nhà trường tích cực làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn đã thường xuyên tổ chức Hội thi tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học dành cho giáo viên. Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình có ý tưởng sáng tạo, thể hiện tâm huyết, sự yêu nghề và trách nhiệm của các cô giáo. Việc giáo viên sáng tạo trong làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo đã giúp học sinh nắm vững kiến thức thực tế, hiểu bài nhanh và khơi dậy tư duy sáng tạo trong học sinh. Do vậy, việc phát động phong trào sáng tạo đồ dùng dạy học; sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học vào tiết học đã được ngành Giáo dục huyện Gia Viễn duy trì và nhân rộng. Phong trào thi đua tự làm đồ dùng, đồ chơi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tới 21/21 trường mầm non trên địa bàn. Nhiều đồ dùng, đồ chơi bền, đẹp, có tính sư phạm tốt, có giá trị sử dụng cao được nhân rộng cách làm trong đội ngũ giáo viên. Cũng qua phong trào đã tạo cơ hội cho giáo viên mầm non phát huy khả năng sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến, tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, phục vụ thiết thực việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục mầm non mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng