Ghi nhớ lời dạy của Bác, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh. Phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa, nhân rộng, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, đem lại hiệu quả xã hội to lớn, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Những năm gần đây, diện mạo của tỉnh ngày càng khởi sắc. Kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc, tốc độ GDP hàng năm tăng khá cao, năm 2008 đạt 18,9%, thu ngân sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 9%, hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách có nhà mới từ sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng…
Đạt được kết quả trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh ta đã thường xuyên chú trọng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/ TƯ ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị đã tạo ra động lực quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với thực hiện Cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đã tạo những chuyển biến quan trọng trong đời sống xã hội, ngày càng nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt.
Nét nổi bật trong 5 năm qua là công tác thi đua - khen thưởng đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng được nâng lên rõ rệt. Phong trào thi đua của tỉnh được tổ chức thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.
Các tiêu chuẩn thi đua đề ra đã mang tính toàn diện, kết hợp được phong trào thi đua truyền thống với thi đua chuyên đề. Phương thức tổ chức thi đua cũng có nhiều đổi mới với những hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức thi đua theo khối, tổ chức các cuộc vận động, thi đua ngắn hạn, dài hạn, để thực hiện các mục tiêu thi đua hàng năm tỉnh đã đề ra, ký kết thi đua giữa các đơn vị có chung lĩnh vực sản xuất, công tác…
Hàng năm, tỉnh phát động hai đợt thi đua theo định kỳ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm, nổi bật là phong trào thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm 185 thành lập tỉnh, 15 tái lập tỉnh, thi đua hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"…
Các phong trào thi đua truyền thống của các ngành diễn ra sôi nổi, như phong trào "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người lao động" do Liên đoàn lao động tỉnh phát động, trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 6.447 đề tài sáng kiến và 208 công trình, sản phẩm được áp dụng đưa vào sản xuất.
Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình là những đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phong trào thi đua. Phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt", "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục", "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành Giáo dục-Đào tạo; phong trào "Học tập, noi gương Anh hùng liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm", nâng cao y đức của ngành Y tế; phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc" của ngành Công an, phong trào "Thi đua Quyết thắng" của Quân đội… được duy trì và phát huy hiệu quả rõ nét.
Phong trào thi đua trong khối đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng được phát động thường xuyên, liên tục, tiêu biểu là phong trào "Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo" của Hội Nông dân, phong trào: "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" của Hội Phụ nữ; "Lao động sáng tạo", "5 xung kích phát triển kinh tế -xã hội và bảo vệ Tổ quốc" của đoàn thanh niên…
Đặc biệt, phong trào thi đua "Xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, xây dựng củng cố chính quyền, xây đời sống văn hóa ở khu dân cư" của ủy ban MTTQ đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Các phong trào thi đua đã hướng về cơ sở, chăm lo đời sống nhân dân, vì dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Hàng năm, nhân kỷ niệm ngày truyền thống thi đua yêu nước (11-6), các ngành, địa phương, đơn vị đã lựa chọn những tấm gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và nêu gương học tập.
Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã lựa chọn, xây dựng được 259 điển hình tiên tiến. Trong đó có 1 đơn vị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 70 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 168 đơn vị được các Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, được Chính phủ tặng cờ luân lưu đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh trên các lĩnh vực công tác, 8 cá nhân được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc".
Các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới vẫn phát huy được thành tích và giữ vững truyền thống lao động sáng tạo, đổi mới, đi đầu trong các phong trào thi đua của tỉnh, như: Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn); phòng PA 38 Công an tỉnh; trường Mầm non phường Ninh Sơn (Thành phố Ninh Bình); Viện Quân y 5… Những điển hình tập thể, cá nhân đã được tôn vinh thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa của phong trào thi đua yêu nước ở Ninh Bình.
Minh Châu