Vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện địa hình, đời sống vật chất, việc đi lại xa xôi, những cô giáo mầm non nơi đây đã nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nuôi dạy trẻ ở bậc học mầm non, đưa Trường mầm non Phú Lộc trở thành 1 trong 6 trường mầm non đầu tiên của huyện Nho Quan đạt chuẩn quốc gia với đội ngũ cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
Nhớ về cái thuở "trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp", các lớp học mầm non còn "nằm" rải rác tại các thôn, cô giáo Nguyễn Thị Chi, Hiệu phó Trường mầm non Phú Lộc bồi hồi tâm sự: Do khó khăn về địa điểm nên trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên mầm non không đồng đều và mỗi giáo viên không có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của nhau. Bên cạnh đó, không có trường lớp tập trung cũng dẫn đến việc nhà trường không "tách" được các em theo độ tuổi, không tổ chức được việc nuôi trẻ ăn bán trú tại trường...
Từ năm 2005 được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Trường mầm non Phú Lộc được xây dựng theo quy mô trường đạt chuẩn quốc gia trên diện tích hơn 4.000 m2 với 9 phòng học, các phòng chức năng như: phòng âm nhạc, phòng y tế, điều hành...
Cùng với quá trình chuẩn bị và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thì phong trào học tập của đội ngũ giáo viên trong trường rất sôi nổi, tích cực. Các giáo viên nhận thức rõ yêu cầu, trách nhiệm đặt ra đối với bản thân khi trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia nên vừa công tác, vừa theo học các lớp trung cấp, đại học mầm non.
Điều đáng ghi nhận ở đây là mặc dù hầu hết giáo viên trong trường đều ngoài biên chế, mức thu nhập hàng tháng thấp, nhưng ai cũng cố gắng sắp xếp việc trường, việc gia đình để theo học các lớp nâng cao trình độ.
Cô giáo Nguyễn Thị Chi nhớ lại: Ngày trước, phương tiện đi lại khó khăn, xe máy là rất hiếm. Vậy mà nhiều chị kiên trì đạp xe đạp ra tận tỉnh Nam Định để theo học các lớp trung cấp. Cả quãng đường dài hơn 60 km, lại gập ghềnh đá sỏi, lên dốc, xuống dốc..., nhưng hàng tháng, các cô giáo lại đạp xe, ở trọ thuê, tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt... để lấy được tấm bằng về chuyên môn.
Bây giờ, xe máy có nhiều, địa điểm học tập ngay tại Trường Đại học Hoa Lư nên giáo viên đi học có nhiều thuận lợi. Gọi là thuận lợi hơn so với trước nhưng đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế ở một trường miền núi thì những chi phí cho việc học nâng cao trình độ vẫn hết sức khó khăn, phải tùng tiệm, tính toán chi li, sắp xếp hợp lý việc nhà, con cái thì mới theo kịp chương trình học.
Cô giáo Lê Thị Cúc đang theo học lớp đại học tại chức tại Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Tôi đang học năm thứ 2 đại học. Mặc dù lương thấp, đường sá đi lại xa xôi, phải thuê trọ mỗi đợt học nhưng tôi cùng nhiều giáo viên trong trường vẫn nỗ lực học tập vì luôn nghĩ phải học để nâng cao trình độ, để làm tốt hơn công việc của mình. Do mỗi tháng chỉ học 10 ngày nên nhà trường cũng quan tâm, tạo điều kiện để mỗi giáo viên thu xếp công việc một cách hợp lý để đi học.
Hiện tại, toàn trường đang có 9 cô giáo theo học các lớp đại học tại chức, từ xa. Tổng số cán bộ, giáo viên của trường là 25 người thì đến nay đã có 4 giáo viên có trình độ đại học, còn lại có trình độ trung cấp. 90% giáo viên có chứng chỉ tin học trình độ A, 10% có chứng chỉ ngoại ngữ.
Phấn khởi nhất là trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn được trường thực hiện đạt từ rất sớm so với các tiêu chuẩn khác. Cũng từ phong trào học tập mà hàng năm 100% giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, 3 cô đạt giáo viên giỏi cấp huyện.
Đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, nhiều năm qua, đội ngũ giáo viên Trường mầm non Phú Lộc đã xây dựng được hình ảnh đẹp về một tập thể nữ luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống, xứng đáng các em nhỏ gọi bằng cái tên trìu mến "Cô giáo như mẹ hiền...".
Bài, ảnh: Bùi Diệu