Triển khai phong trào, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực hỗ trợ hội viên kiến thức khoa học, vốn, vật tư nông nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với việc chủ động ký chương trình phối hợp với các sở, ngành như Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng…
Thông qua các chương trình phối hợp này, từ năm 2007 đến nay, Tỉnh hội đã tổ chức hàng nghìn buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 600 nghìn lượt hội viên nông dân. Qua đó đã trang bị cho nông dân những kiến thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại. Cụ thể, để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, các cấp Hội đã vận động nông dân chuyển đổi giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao, tiêu thụ ổn định như dưa bao tử, ngô ngọt, nhím, hươu, lợn rừng…
Toàn tỉnh đã phối hợp xây dựng 281 mô hình, dự án thâm canh, bảo vệ thực vật, trồng cây vụ đông, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản. Điển hình như mô hình trồng khoai lang Nhật Bản chất lượng cao trên đất thiếu nước với diện tích 30 ha tại huyện Nho Quan được UBND tỉnh cấp bằng sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, nhờ được chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình dự án, hội viên nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phối hợp ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo vốn hỗ trợ nông dân. Toàn tỉnh hiện có hơn 800 tổ vay vốn tiết kiệm do Hội nông dân quản lý cho hơn 20 nghìn hộ vay. Đối với hộ nghèo, Hội nông dân vừa tạo điều kiện cho vay vốn, vừa hướng dẫn họ cách làm ăn để phát huy hiệu quả đồng vốn. Ngoài nguồn vốn phối hợp với ngân hàng, Hội Nông dân tỉnh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương Hội thông qua nguồn vốn 120 giải quyết việc làm, Hội đã xây dựng 16 dự án giúp 1.525 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất, các dự án đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập ổn định như dự án thêu ren, đan cót tại xã Gia Tân (Gia Viễn), dự án chế biến cói tại xã Lai Thành (Kim Sơn)…
Sau khi có vốn, Hội tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân thông qua chương trình phối hợp với Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình tập huấn sử dụng phân bón, xây dựng mô hình khảo nghiệm và đặc biệt là giúp nông dân mua phân bón trả chậm. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi, các tổ hợp làm hàng thủ công, sau đó yêu cầu chính các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm do nông dân làm ra.
Với tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, các cấp Hội đã vận động hội viên tích cực ủng hộ giúp đỡ những nông dân nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2007 đến nay, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã quyên góp được hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công và hơn 100 tấn lương thực, xây mới, sửa chữa nhà ở cho nông dân nghèo… Đặc biệt, thông qua phong trào đã có hơn 2 nghìn hộ nghèo được giúp đỡ thoát nghèo, hơn 50 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng gần 10 nghìn hộ so với năm 2007.
Với nòng cốt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2013 có từ 35% trở lên số hộ hội viên nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh và cấp Trung ương đạt tỷ lệ 10% trở lên, giảm 3% hộ hội viên nông dân nghèo/năm. Phấn đấu tăng nhanh số lượng hộ nông dân có thu nhập 200 triệu đồng trở lên/năm. Để đạt được mục tiêu đó, Hội sẽ tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để giúp hội viên nông dân hiểu rõ về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, đặc biệt là hình thức tư vấn trực tiếp, tham quan mô hình, tổ chức các hội thi, hội thảo, giới thiệu những mô hình điển hình tiên tiến… Đồng thời chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành tổ chức có hiệu quả việc chuyển giao KHKT vào sản xuất.
Có thể nói, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã khẳng định chủ trương, đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, phù hợp lòng dân, đưa hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, phát huy tối đa thế mạnh của mỗi gia đình và của các nguồn lực khác. Đồng thời phong trào đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Hội trong việc thu hút, tập hợp hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Đào Duy