Một ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp về xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) khi những cơn mưa lất phất, kèm theo cái lạnh buốt xương vẫn đang tràn về. Tuy vậy, trên nhiều cánh đồng của xã, hàng trăm người dân vẫn "đội" mưa cùng các cán bộ xã, thôn triển khai công tác dồn điền, đổi thửa. Ngay bên thửa ruộng vừa dồn đổi, bác Nguyễn Văn Xưởng, thôn Đông Trại phấn khởi chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi có hơn 7 sào ở 2 xứ đồng cách xa nhau nên gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Sau khi nghe lãnh đạo xã, thôn giải thích lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa và quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn đều tích cực hưởng ứng và đồng tình ủng hộ chủ trương này.
Sau dồn đổi, diện tích đất canh tác của gia đình tôi không thay đổi nhưng được tập trung vào 1 thửa, hệ thống đường giao thông và kênh mương nội đồng cũng được quy hoạch lại hoàn chỉnh nên rất thuận lợi cho sản xuất. Vụ đông xuân tới, tôi sẽ đầu tư mua máy bơm và máy làm đất loại nhỏ để thâm canh tăng năng suất, quyết tâm làm giàu từ sản xuất nông nghiệp".
Đồng chí Đoàn Thị Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết, nhận thức tầm quan trọng của công tác dồn điền, đổi thửa nên ngay sau khi có chủ trương của huyện, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về chỉnh trang đồng ruộng gắn với dồn điền, đổi thửa, thành lập Ban chỉ đạo cấp xã và 10 tiểu ban dồn điền, đổi thửa ở các thôn. Xác định đây là công việc khó do đụng đến vấn đề nhạy cảm là đất đai, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo khối dân vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục tiêu dồn diền, đổi thửa. Đồng thời, tổ chức những cuộc họp ở thôn để người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào tất cả các bước của quy trình dồn điền, đổi thửa, từ đo đạc diện tích thực tế, phân hạng đất, lên sơ đồ từng khu vực, xác định đường giao thông nội đồng, mương máng tưới tiêu, dự kiến tỷ lệ diện tích chia cho các hộ theo từng loại…
Lúc đầu, công tác vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa gặp không ít khó khăn do chất lượng ruộng đất của xã không đồng đều nên một bộ phận người dân chưa hiểu rõ, ngại khi dồn điền nhận phải thửa ruộng xấu. Đứng trước khó khăn đó, khối dân vận xã đã phải kiên trì tuyên truyền, giải thích việc dồn điền, đổi thửa là để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất.
Với phương châm chỗ nào dễ làm trước, các tổ chức đoàn thể phối hợp với tiểu ban dồn điền, đổi thửa ở thôn chọn các gia đình cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh và những người dễ vận động giải thích cho bà con hiểu, ủng hộ chủ trương của xã rồi từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa sang các hộ dân khác. Sau khi có sự đồng thuận của nhân dân, các thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tiến hành đo đạc, đánh giá phân loại các hạng đất, sau đó sắp xếp trên sơ đồ. Đối với một số vùng đất xấu, xa, người dân trực tiếp quyết định hệ số k và ưu tiên cho một số hộ có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế trang trại. Ngoài ra, xã cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ có quan hệ họ hàng thân thích tự nhận ghép diện tích vào chung một thửa lớn để tiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, đồng thời phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc vận động người thân nhận những diện tích không thuận lợi. Nhờ làm tốt công tác vận động nên toàn xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 515,76 ha, đạt 100% diện tích. Trong đó số hộ có 1 đến 2 thửa chiếm hơn 90% diện tích, bình quân mỗi hộ sau nhận đổi là 1,76 thửa/hộ. Bên cạnh đó, xã đã vận động nhân dân hiến trên 21 nghìn m2 đất, đóng góp trên 3,2 tỷ đồng, chỉnh trang hơn 154 km đường giao thông và 44,5 km kênh mương nội đồng.
Không chỉ ở Yên Hòa mà ở nhiều địa phương khác của huyện Yên Mô cũng đã triển khai có hiệu quả mô hình "dân vận khéo" vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, từng bước phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đồng chí Phạm Sinh Huy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Mô cho biết, điều kiện đồng đất của huyện không đồng đều, trước khi dồn đổi, bình quân huyện vẫn còn 3,8 thửa/hộ, cá biệt có HTX lên tới 10 thửa/hộ.
Xác định được những khó khăn đó, Ban Dân vận đã chủ động tham mưu với Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương và các tổ chức đoàn thể xây dựng mô hình "Dân vận khéo" vận động nhân dân thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa; tổ chức cho cán bộ các xã và thành viên khối dân vận đi tham quan mô hình dồn điền, đổi thửa ở huyện Yên Khánh. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, kịp thời đổi mới phương pháp vận động cho phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Kinh nghiệm vận động, thuyết phục người dân tích cực tham gia dồn điền, đổi thửa ở Yên Mô là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Tất cả các nội dung liên quan đến dồn điền, đổi thửa đều được công khai thông qua các cuộc họp thôn để người dân nắm vững bản đồ quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng và trực tiếp bàn bạc thống nhất phương án dồn đổi nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Cán bộ làm công tác dân vận cần kiên trì, vận dụng tốt kỹ năng "dân vận khéo" trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm cho người dân hiểu dồn điền, đổi thửa là phục vụ cho chính bản thân họ.
Đơn cử như việc dồn đổi sẽ tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng hiệu quả, giá trị sản xuất, nâng cao đời sống cho người nông dân. Nhờ làm tốt công tác vận động, trong năm qua, nhân dân trong huyện đã hiến 150,2 ha đất và 41 tỷ đồng, thực hiện đào đắp trên 1,1 triệu m3 đất làm 3.546 tuyến giao thông và kênh mương nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Đến nay, 16/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, bình quân đạt 1,3 đến 2 thửa/hộ. Sau dồn điền, đổi thửa, huyện đã chỉ đạo xây dựng một số cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa khâu làm đất, thực hiện gieo cấy đồng trà, đồng thửa, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm chi phí, tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Quốc Khang