Nhìn bé trai mới hơn 1 tuổi nhưng đã phải nhập viện gần chục ngày nay để điều trị bỏng độ 2 do nước sôi. Nguyên nhân bị bỏng là do bé đang giai đoạn tập bò, gia đình sơ suất không để phích nước sôi lên cao, nên khi bò, bé va phải bàn khiến chiếc phích bị đổ, nước nóng chảy theo bàn xuống làm bỏng vùng da hai bên từ đùi xuống bàn chân. Chị Lê Thị Thanh Mai, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp) buồn bã chia sẻ: chỉ một chút sơ xảy chưa kịp cất phích nước nóng lên cao đã xảy ra chuyện. Chăm sóc con đau một, tôi đau mười, vừa ân hận vừa xót xa. Đúng là có quá nhiều nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn thương tích. Có con nhỏ, gia đình đã rất ý thức trong việc bảo vệ sự an toàn cho con, như để ý đến các ổ điện, các dụng cụ, vật sắc nhọn, các bậc cầu thang lên xuống, vậy mà…
Đối với gia đình chị Tống Thị Liên, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) thì khi xảy ra chuyện cháu bé bị kẹt chân vào xe đạp cũng không biết phải trách phạt cô con gái lớn hay con gái nhỏ. Những ngày hè, các cháu được nghỉ học, bố mẹ bận đi làm, cho hai bé chơi với nhau. Cô con gái lớn cũng chỉ 9 tuổi đầu, tự lo cho mình còn chưa xong lại còn được giao nhiệm vụ trông em gái mới 4 tuổi, chị đạp xe, không cho em đi cùng thì em khóc, ăn vạ. Cho đi cùng thì xảy ra chuyện… "Những ngày hè thật bí bách cho các gia đình có con nhỏ, khi ông bà nội ngoại ở xa hoặc không có điều kiện trông coi hộ. Những tai nạn thương tích thì luôn rình rập trẻ. Tôi lo lắng lắm, đi làm mà luôn mong hết thời gian, về nhà thấy các cháu nguyên vẹn mới yên tâm. Ngoài lo các tai nạn thương tích như ngã, va đập, tai nạn giao thông, chó cắn…, tôi còn lo thêm nỗi lo con gái bị xâm hại, lợi dụng, bắt cóc…" chị Liên cho biết thêm.
Từ đầu hè đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh liên tục cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích như: Tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc thức ăn, súc vật cắn, đuối nước, điện giật… Đặc biệt, trong hơn 1 tháng nghỉ hè chính thức thì số trẻ bị tai nạn thương tích tại gia đình có xu hướng gia tăng. Bình quân mỗi ngày có từ 1-2 ca phải nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp bị nặng, khá thương tâm như trẻ đuối nước không thể cứu chữa; trẻ bị bỏng nặng 60% cơ thể phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị; trẻ bị rơi vật nặng vào đầu phải can thiệp phẫu thuật não sẽ để lại di chứng... Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu do các bậc phụ huynh còn quá chủ quan trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Thống kê của phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 250 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Mỗi năm trên địa bàn có hàng nghìn trẻ em bị tai nạn, thương tích, phổ biến như tai nạn đuối nước, điện giật, bỏng nước sôi, tai nạn giao thông, động vật cắn… Riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 790 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Trong số đó phần lớn trẻ tử vong do đuối nước và TNGT… Điều đáng buồn là các loại tai nạn thương tích hàng năm không giảm mà có chiều hướng gia tăng và thường có diễn biến bất thường. Nhất là vào thời điểm nghỉ hè, trẻ em hay tụ tập chơi những trò chơi trước sân nhà, có khi là ven đường, ven ao, hồ, đập mà ít có sự trông coi, giám sát của người lớn. Đồng thời khi chơi, các em cũng vô tư đùa nghịch mà không lường được nhiều nguy cơ đang rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như tai nạn xe cộ, đuối nước, các vật dụng nguy hiểm có thể gây ra tai nạn, thương tích cho bản thân mình và các bạn.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, tai nạn, thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Đặc biệt trong những ngày hè, việc chủ quan, lơ là của các bậc cha mẹ, người thân và thực trạng thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em rất dễ dẫn đến các em tự mày mò, tìm kiếm sân chơi cho riêng mình và gây ra những vụ tai nạn, thương tích. Để hạn chế tối đa các vụ việc đáng tiếc xảy ra, các tổ chức, đoàn thể, các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ. Trong đó đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp dạy bơi; các lớp học kỹ năng sống giúp trẻ em tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; mở các khu vui chơi, các lớp học năng khiếu... tạo sân chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em.
Đặc biệt, vào dịp hè và cũng nhân Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động vì trẻ em, các tổ chức, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều diễn đàn "Ngôi nhà an toàn cho trẻ", nhằm giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ được nâng cao kiến thức bảo vệ các em trước các mối hiểm họa xung quanh có thể gây ra tai nạn, thương tích cho trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Tại các diễn đàn đều nêu rõ nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể gây tai nạn, thương tích cho trẻ tại gia đình như: Nhóm nguy cơ về điện như quạt điện, phích nước, nồi cơm điện; nhóm nguy cơ từ cầu thang, lan can… và nhóm nguy cơ từ các đồ dùng gây bỏng, gây cháy nổ như diêm, bật lửa, phích nước, các đồ ăn nóng… Khi tham gia diễn đàn, các bậc phụ huynh được tìm hiểu kiến thức phòng, chống tai nạn, thương tích; thực hành sơ cứu một số loại tai nạn, thương tích ở trẻ em, qua đó góp phần giúp các gia đình, các bậc phụ huynh được nâng cao nhận thức trong phòng chống tai nạn, thương tích ở trẻ, tạo cho các em một môi trường sống an toàn, lành mạnh, giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Để hạn chế thấp nhất những tai nạn, thương tích xảy ra đối với trẻ em, nhất là trong thời gian các cháu nghỉ hè, cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn cho trẻ, trong đó đặc biệt quan tâm tới những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Đồng thời cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc trang bị cho trẻ em những kiến thức để tự bảo vệ mình, hạn chế thấp nhất tai nạn, thương tích. Cùng với đó tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tổ chức hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng; xây dựng các ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn nhằm phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em… Thêm vào đó quan tâm quy hoạch, xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em để thu hút các em tham gia các hoạt động lành mạnh, an toàn... Tất cả nhằm mục tiêu từng bước hạn chế tình trạng trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích, đem lại hạnh phúc cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Thùy Phương