Năm học 2012-2013, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét so với năm học trước, có nhiều cuộc thi, hội thi xếp thứ nhất toàn tỉnh. Quy mô các cấp học được giữ vững và phát triển, tính đến tháng 5/2013, toàn thành phố có 42 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, củng cố và phát triển ở cả 3 cấp học. Thành phố được UBND tỉnh kiểm tra công nhận là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (tháng 5/2012), đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II (tháng 11/2012) với 14/13 đơn vị xã, phường của thành phố đều đạt chuẩn.
Chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng so với năm học trước. 100% học sinh tiểu học và 92% học sinh THCS xếp loại hạnh kiểm tốt. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi bậc tiểu học chiếm trên 96%; bậc THCS chiếm trên 72%.
Kết quả 8 cuộc thi cấp thành phố, 9 cuộc thi cấp tỉnh và các cuộc thi cấp quốc gia có trên 1 nghìn học sinh đạt giải cấp thành phố, trên 300 giải cấp tỉnh và 22 giải cấp quốc gia trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet và Giải toán qua Internet. Có 333 học sinh lớp 9 của thành phố thi đỗ vào trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, trong đó có 255 học sinh đỗ vào 10 lớp chuyên và có 9 học sinh đỗ thủ khoa vào 9 lớp chuyên (toàn tỉnh có 11 thủ khoa). Số học sinh của thành phố Ninh Bình chiếm trên 73% học sinh khối chuyên của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy…
Công tác quản lý, chỉ đạo của ngành có nhiều đổi mới và mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng, chất lượng đội ngũ được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 5/2013, toàn ngành có 1.622 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có trên 1 nghìn đảng viên, chiếm 62,1%... Ngành GD&ĐT thành phố được Sở GD&ĐT tặng Cờ giải Nhất về công tác bồi dưỡng HSG…
Năm học 2013-2014, ngành Giáo dục và đào tạo thành phố Ninh Bình tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các CVĐ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ, trong đó chỉ đạo, quản lý hiệu quả công tác tự học tự bồi dưỡng. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường bồi dưỡng HSG nhằm nâng cao chất lượng, số lượng HSG các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học. Tăng cường công tác tham mưu, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, cơ sở thực hành và thiết bị dạy học nhằm đẩy mạnh phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học…
Hạnh Chi