Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Đến tuần đầu tháng 5, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện gây hại diện rộng trên trà xuân muộn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là trên các giống dễ nhiễm bệnh: BC15, Nếp, LT2, Bắc thơm số 7, Q5… Tổng diện tích lúa bị nhiễm là 5.130 ha, trong đó có 320,6 ha bị nặng; quy mô và mức độ gây hại cao hơn vụ đông xuân trước; các địa phương trong tỉnh đã phun thuốc phòng, chống bệnh cho 6.708 ha.
Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đã gây hại rộng trên các trà lúa của các địa phương trong tỉnh, gây hại nặng ở các huyện: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư…Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã gây hại cục bộ trên trà lúa xuân muộn, tập trung chủ yếu ở huyện Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh…
Ngoài các đối tượng dịch hại nêu trên, còn có các đối tượng khác cũng đã và đang gây hại cho lúa xuân như: Sâu đục thân lúa 2 chấm, bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, chuột…với quy mô, mức độ gây hại khác nhau và cũng cần phải được quan tâm phòng, chống.
Để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân thắng lợi, các địa phương và người nông dân cần tăng cường kiểm tra giám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại và có biện phòng, chống hữu hiệu khi đến ngưỡng, đặc biệt chú ý đến các đối tượng gây hại như: Bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ, thực hiện phòng, chống theo quy trình, quy định, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Tiến hành phun thuốc đặc hiệu trên những ruộng lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm bệnh đạo ôn, những ruộng lúa xanh tốt, bón thừa đạm, bón không cân đối các loại phân, ruộng gần khu bị bệnh. Thời điểm phun thuốc phòng trừ khi lúa thấp thó trỗ từ 3-5%. Những ruộng bị bệnh đạo ôn lá nặng phun kép (2 lần), cách nhau 5-7 ngày bằng các loại thuốc sau: Katana 20SC, Kabim 30WP, Beam Super 75WP, Fujione 40WP và lượng thuốc đã pha phải đảm bảo từ 25-30 lít/sào.
Một trong những biện pháp kỹ thuật cần chú ý là trên đồng ruộng phải đảm bảo đủ nước cho lúa làm đòng, trỗ bông thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, có sức chống chịu lại với đối tượng gây hại.
Bài, ảnh: Đinh Chúc