Chi cục BVTV cho biết: Qua theo dõi diễn biến tình hình dịch hại trên địa bàn tỉnh, đã thấy xuất hiện các đối tượng gây hại như đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rêu, ốc bươu vàng… ở thời điểm này, đặc biệt chú ý đến bênh đạo ôn và bệnh đã xuất hiện trên diện tích 20 ha (Nho Quan 15 ha, Yên Khánh 5 ha) và diện tích bị hại nặng là 3,1 ha (Nho Quan 3 ha, Yên Khánh 0,1 ha), ở những khu ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, bón không cân đối NPK hoặc bón không đúng theo quy trình kỹ thuật, trên những giống lúa mẫn cảm với bệnh. Đây là loại đối tượng gây hại khó phòng, chống, nấm bệnh phá hoại lá lúa ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, sự tổng hợp các chất cần thiết cho cây phát triển và tạo hạt về sau này. Đối với loại bệnh này, cần lấy biện pháp phòng là chính: chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt không bón thừa đạm; đảm bảo đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng và phát triển; cây khỏe mạnh đủ sức chống chọi lại với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sự phá hoại của các loại sâu bệnh; phun phòng bệnh trước bằng các loại thuốc đặc hiệu theo quy trình và sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Rêu cũng là đối tượng gây hại xuất hiện khá nhiều tại thời điểm này với 671,5 ha lúa bị nhiễm, 5 ha bị hại nặng, trong đó huyện Nho Quan có 30 ha, huyện Yên Mô 350 ha; huyện Kim Sơn 250 ha… bị nhiễm rêu. Diện tích lúa bị nhiễm rêu chủ yếu thuộc vùng đất trũng, thùng đào, thùng đấu, bị ngập nước lâu ngày, đất chua. Biện pháp xử lý chủ yếu là vơ, vớt, vùi; có thể dùng vôi bột vãi diệt trừ, khống chế rêu rất hiệu quả.
Ngoài các đối tượng gây hại trên, cần quan tâm đến ốc bươu vàng và chuột, phải thực hiện việc diệt ốc, chuột thường xuyên, liên tục, đồng loạt.
Trường Sinh