Tuy nhiên, để món cơm cháy thực sự trở thành văn hóa ẩm thực của Ninh Bình và được gìn giữ cho muôn đời sau thì việc xây dựng và phát triển thương hiệu "Cơm cháy Ninh Bình" cần được các cấp, các ngành liên quan cũng như những người sản xuất, kinh doanh có chiến lược dài hơi hơn để đưa thương hiệu cơm cháy trở thành thương hiệu quốc gia
Việc cơm cháy Ninh Bình được xếp vào top 10 món ăn đặc sản Việt Nam đã khiến chính quyền địa phương và người dân Ninh Bình phấn khởi, góp phần thúc đẩy sản phẩm ẩm thực độc đáo trên được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 250 doanh nghiệp, xưởng chế biến đăng ký kinh doanh, sản xuất cơm cháy trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó chủ yếu là những nhà hàng phục vụ ăn uống và một số sản phẩm cơm cháy phục vụ các khu du lịch.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất khoảng 400 tấn cơm cháy.
Một số doanh nghiệp uy tín trên địa bàn như Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Đại Long, Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Hoa Lư… có thể sản xuất từ 0,5-1 tấn cơm cháy/ngày và tiêu thụ tại nhiều cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hệ thống phân phối ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…
Đến Ninh Bình, du khách có thể được thưởng thức món cơm cháy được chế biến trực tiếp ở các nhà hàng ăn với nước xốt thịt dê, hải sản…, ngoài ra du khách có thể mua về làm quà với sản phẩm cơm cháy đóng gói.
Tuy nhiên, quy trình sản xuất cơm cháy hiện nay cũng không được thống nhất, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cũng vì vậy mà không được kiểm soát chặt chẽ. Rất nhiều hộ sản xuất cơm cháy tự phát, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thậm chí có sản phẩm còn không cần gắn nhãn mác, chỉ giới thiệu đây là cơm cháy Ninh Bình. Chính vì vậy người tiêu dùng dần đang mất niềm tin về sản phẩm, uy tín của đặc sản cơm cháy Ninh Bình cũng dần bị mai một.
Đại diện Hiệp hội cơm cháy Ninh Bình cho biết: Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm nhái cơm cháy Ninh Bình được nhập từ nơi khác về và đóng gói mang thương hiệu đặc sản cơm cháy Ninh Bình, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và uy tín của sản phẩm cơm cháy Ninh Bình.
Nhiều sản phẩm còn nhái cả tên các doanh nghiệp sản xuất khiến cho khách hàng khó có thể nhận biết được khi các sản phẩm được bày bán tràn lan trên thị trường, các khu du lịch, làm mất dần đi nét ẩm thực độc đáo của địa phương.
Để bảo vệ và quảng bá sản phẩm cơm cháy Ninh Bình, các sở, ban, ngành có liên quan trên toàn tỉnh, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp thực hiện các giải pháp tuyên truyền để người dân thấy được trách nhiệm của mình đối với các sản vật quê hương.
Đồng thời tích cực kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng của các đơn vị sản xuất và kinh doanh cơm cháy trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng sản phẩm cơm cháy vẫn còn nhiều bất cập, chưa có một tổ chức nào đứng ra để quản lý và kiểm soát nên người tiêu dùng vẫn ngần ngại khi sử dụng sản phẩm.
Chính vì vậy, giải pháp xây dựng thương hiệu cho cơm cháy Ninh Bình do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thời gian qua đã giải quyết được vấn đề trên. Đồng thời việc xây dựng thương hiệu cơm cháy Ninh Bình sẽ là khâu quan trọng để mỗi người dân có trách nhiệm với văn hóa ẩm thực ở địa phương.
Chủ doanh nghiệp sản xuất cơm cháy Đại Long (Nho Quan) cho biết: Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cơm cháy Ninh Bình" đã có tác dụng tích cực đối với những hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm cơm cháy.
Từ đó đã tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, ý thức trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, khả năng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong khối đã được đăng ký nhãn hiệu và đặc biệt là qua việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sẽ góp phần thu hút đầu tư về sản xuất và kinh doanh sản phẩm có thương hiệu, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên theo Hiệp hội cơm cháy Ninh Bình, mặc dù sản phẩm "Cơm cháy Ninh Bình" đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa tuân thủ việc dán nhãn hiệu tập thể "Cơm cháy Ninh Bình" cho sản phẩm. Do đó, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội cơm cháy khi muốn bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, người sản xuất khi kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Từ thực tế trên đã đặt ra, ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Khi mức sống của người dân cao hơn thì yêu cầu đối với sản phẩm ngày càng khắt khe. Ngoài giá cả hợp lý, bao bì thẩm mỹ thì chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định việc khách hàng lựa chọn sản phẩm.
Chính vì thế, việc cần làm đầu tiên hiện nay là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cơm cháy cần có một quy chuẩn chung cho chất lượng sản phẩm của mình. Để có thể thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cơm cháy ngay từ khâu sản xuất đã phải có những công đoạn nghiêm ngặt.
Thiết lập một quy trình công nghệ cho việc sản xuất đảm bảo năng suất và chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cần có động thái hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính hiệu quả khi đưa ra thị trường.
Doanh nghiệp cũng cần xác định đây là sự đầu tư có chiến lược với mục đích tăng cường sức cạnh tranh lâu dài cho sản phẩm.
Ngoài ra, Hiệp hội cơm cháy Ninh Bình cũng cần nhận thức được vai trò của mình trong việc vận động các thành viên giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm cũng như tự nguyện tham gia xây dựng, phát triển nhãn hiệu chung. Về phía chính quyền địa phương cũng cần phải có chủ trương phát triển sản phẩm và sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cũng như kinh phí cho việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu cơm cháy Ninh Bình.
Bài, ảnh: Bảo Yến