Để duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương như: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm truyền thống"; biên tập, đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, nhất là hát chèo, hát xẩm, múa rối nước vào các trường Tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh; tổ chức thành công dự án "Sân khấu học đường" tại tỉnh (năm 2013); tổ chức lớp nghệ thuật hát xẩm cho học sinh (huyện Yên Mô); triển khai bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của dân tộc Mường (huyện Nho Quan)…
Điều đáng nói, hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; đã có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, chi hội văn học nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 800 đội văn nghệ, CLB văn nghệ, thu hút gần 5000 diễn viên, hội viên không chuyên tham gia sinh hoạt. Hằng năm, các địa phương đã tổ chức trên 3.000 buổi biểu diễn ở cơ sở, phục vụ trên 300.000 lượt người xem. Sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích văn hóa, văn nghệ đến từ các CLB, tổ, đội văn nghệ đã là một trong những nhân tố tích cực góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Cũng từ đó mà trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn văn học nghệ thuật xuất hiện rộng khắp ở các địa phương, đơn vị, như: Mô hình truyền dạy nghệ thuật hát xẩm trong thanh thiếu niên huyện Yên Mô, nay đã có hơn 40 em đã thành thạo về nghệ thuật hát xẩm; câu lạc bộ Thơ huyện Gia Viễn với nhiều tác phẩm có giá trị cả về tính nghệ thuật và tính chính trị xã hội; họa sỹ Kù Kao Khải, huyện Kim Sơn có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao tại Triển lãm mỹ thuật khu vực và cả nước; họa sỹ Trần Hòa Bình, huyện Kim Sơn, người đã truyền thần hơn 800 bức chân dung Bác Hồ bằng chất liệu sơn dầu; Nghệ nhân dân gian Phạm Ngọc Giới, huyện Yên Khánh tích cực truyền dạy nghệ thuật hát chèo cho các CLB chèo và trong nhân dân; thành phố Ninh Bình nổi bật với Câu lạc bộ chèo Vân Giang, Ninh Phong, Ninh Tiến và Câu lạc bộ thanh niên đường phố; thành phố Tam điệp với nhiều tác phẩm thơ, nhạc, nhiếp ảnh đã làm nên diện mạo riêng của vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp, được nhiều giải thưởng của Trung ương và của tỉnh…
Cùng với nhân rộng các mô hình, điển hình trong hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn văn hóa, văn nghệ, các địa phương còn chú trọng xây dựng, phát triển hiệu quả các thiết chế văn hóa, nghệ thuật và hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn, qua đó phục vụ tốt hoạt động biểu diễn, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 thư viện cấp tỉnh và 8 thư viện cấp huyện. Nhìn chung các thư viện đã có nhiều đổi mới, đa dạng các hình thức hoạt động phục vụ bạn đọc như thành lập thư viện chi nhánh, thư viện lưu động, hình thức tự chọn; tăng cường phát triển tài liệu có tính tư tưởng cao, tính giáo dục tốt và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, ưu tiên mảng sách văn học, nghệ thuật.
Hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn được quan tâm củng cố, xây dựng, phát triển và từng bước hiện đại hóa đã bám sát định hướng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, trong đó tuyên truyền đậm nét các hoạt động văn hóa, văn nghệ, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp vùng đất, con người Ninh Bình đến với nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Mai Lan