2 năm qua, các cấp, các ngành có liên quan, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bảo đảm phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Kim Sơn là huyện miền biển duy nhất của tỉnh với hơn 18km bờ biển và trên 6.000 ha đất ngập mặn có khả năng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Với lợi thế đó, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển huyện Kim Sơn đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân các xã bãi bồi.
Tuy nhiên, hầu như các hộ nuôi chỉ sản xuất 2 vụ chính/năm do hầu hết các đối tượng nuôi không chịu được nhiệt độ thấp. Trong khi nhu cầu của thị trường về các loại thủy sản trong mùa đông rất lớn, nhất là vào dịp lễ, Tết. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, các hộ nuôi trên địa bàn huyện Kim Sơn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản thương phẩm.
Nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ vụ đông trong nhà bạt kết hợp với công nghệ Biofloc (công nghệ vi sinh) để phát triển thêm 1 vụ sản xuất trong năm. Đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới phải kể đến Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, thị trấn Bình Minh.
Ông Đặng Thanh Doãn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân cho rằng: Để tăng sản lượng, sản xuất ra sản phẩm an toàn thì xu hướng tất yếu là phải mạnh dạn áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm.
Do vậy doanh nghiệp đã lựa chọn công nghệ nhà bạt che phủ để nuôi tôm trái vụ trên diện tích 4 ha. Đến nay, đã qua 4 vụ nuôi tôm thẻ vụ đông đều thành công, cái được lớn nhất là gia tăng thêm 1 vụ nuôi trong năm và giá tôm bán ra thị trường rất cao.
Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ nhà bạt che phủ để nuôi tôm thẻ vụ đông, doanh nghiệp Tân Vân tiếp tục đưa công nghệ Biofloc vào sản xuất. Đây là một trong những công nghệ sinh học tiên tiến xử lý các loại chất thải, chất bẩn, phân tôm, các loại tảo, động thực vật phù du ngay tại ao nuôi, đảm bảo môi trường và nhiệt độ phù hợp cho con tôm sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, công nghệ Biofloc còn có thể biến chất thải trở thành thức ăn cho con tôm và loại thức ăn này có hàm lượng đạm, protein cao hơn thức ăn nhà sản xuất đưa ra.
Năm 2018, Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân thực hiện đề tài "ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 3 vụ/năm tại huyện Kim Sơn" trên diện tích 1,5 ha, tôm thẻ được nuôi trong nhà bạt, áp dụng công nghệ Biofloc. Đến nay, đề tài đang được triển khai và cho kết quả tốt, năng suất thực tế đạt khoảng 25 tấn/ha/vụ, hiệu quả kinh tế đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Xác định khoa học là then chốt, trong những năm qua huyện Kim Sơn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, phát huy lợi thế của huyện miền biển, Kim Sơn đã tập trung nuôi trồng thủy sản nước lợ vùng bãi bồi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ, cua rèm, cá bống bớp, ngao…. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến từ khâu sản xuất giống đến nuôi thủy sản thương phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn các xã vùng bãi bồi đã xây dựng thành công 18 mô hình nuôi tôm trong ao nổi, đáy lót bạt, nhà lưới, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sử dụng vi sinh đảm bảo an toàn thực phẩm với tổng diện tích gần 15ha. Các mô hình đang phát huy hiệu quả rất tốt, điển hình như mô hình ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt cho doanh thu tăng gấp 3-4 lần so với sản xuất thông thường.
Hay công nghệ nuôi tôm có mái che với mật độ thả tôm giống cao, sản lượng đạt khoảng 20 - 25 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 4 tỷ đồng/ha/vụ. Hiện nay, diện tích nuôi tôm theo công nghệ mới đang được những ngư dân tiếp tục nhân rộng.
Câu chuyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao dựa trên lợi thế vùng tại huyện Kim Sơn đã mở ra hướng phát triển mới, hứa hẹn tạo sự đột phá trong sản xuất thủy sản của tỉnh nói chung và của chính địa phương nói riêng. Đây cũng là giải pháp mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và ở tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Trong đó, ứng dụng công nghệ cao ở lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác khoảng 20% so với sản xuất truyền thống. Một số giải pháp công nghệ cao đã được đưa vào thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay và đã được nhân rộng như: Công nghệ nhà lưới, nhà màng trong sản xuất rau và hoa; công nghệ tưới bán tự động; công nghệ màng nilon phủ luống hạn chế cỏ dại và mầm bệnh trong đất; công nghệ sử dụng phân bón cao cấp để cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt; ứng dụng các loại chế phẩm sinh học trong ủ phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong chăm sóc cây trồng...
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ cao đã tự động hóa, công nghiệp hóa trong các khâu sản xuất giúp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, vừa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao theo lợi thế và đặc trưng vùng đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, có thương hiệu, hướng tới hình thành vùng sản xuất tập trung với khối lượng nông sản lớn, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh ta phát triển ngày càng bền vững.
Bài, ảnh: Giáng Hương - Đức Lam