Những con rối nước qua sự điều khiển, "nhập vai" của các nghệ sỹ cùng với lời ca, tiếng hát đậm "chất" chèo ngọt ngào, uyển chuyển được "thổi hồn", trở thành những nhân vật hết sức gần gũi, quen thuộc với đời sống của các tầng lớp nhân dân như: Chú Tễu, chăn trâu thổi sáo, ngày hội đua thuyền, trò câu ếch, cáo bắt vịt...
Lần đầu đưa con đi xem, chị Hoàng Thị Trang (phường Nam Bình) cho biết: Cậu con trai 2 tuổi của tôi thích thú reo hò suốt cả buổi diễn. Thật sự thì những tích trò trong nghệ thuật rối nước khác hẳn với các trò chơi mà cháu được biết...
Chị Nguyễn Thu Thủy (phường Bích Đào) bày tỏ: Các con tôi đều đã lớn, nhưng sau khi được xem múa rối nước 1 lần, mỗi khi đạt điểm 10, các cháu lại mong được bố mẹ thưởng cho đi xem. Các tích trò thu hút trẻ em không chỉ ở các nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu, mà còn qua nghệ thuật rối nước, giúp giáo dục truyền thống, nguồn cội cho trẻ nhỏ.
Nghệ sỹ Nguyễn Văn Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo chia sẻ: Múa rối nước không phải là bộ môn nghệ thuật mới có ở Nình Bình mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên bị gián đoạn. Trước tâm huyết của các nghệ sỹ Nhà hát từng gắn bó với nghệ thuật rối nước, cộng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành chủ quản, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch tỉnh nhà nên Nhà hát Chèo nỗ lực để đưa nghệ thuật múa rối nước trở lại hoạt động.
Từ đầu năm 2009 đến nay, sân khấu rối nước được hình thành và duy trì ngay tại cổng chính của Nhà hát, với 17 tích trò dân gian đã gắn bó, quen thuộc với người dân Việt Nam, nhất là đối tượng trẻ em. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, Trung thu, 1-6,… Nhà hát phải diễn 4 buổi/ngày.
Sự có mặt đông đảo cùng những tiếng vỗ tay, những lời động viên của khán giả chính là động lực, nguồn động viên lớn đối với các nghệ sỹ. Do khó khăn về kinh phí, việc di chuyển… nên rối nước mới chỉ tiếp cận với khán giả thành phố mà chưa có dịp được về phục vụ nhân dân tại các địa phương trong tỉnh.
Nói về tương lai của nghệ thuật múa rối nước, Giám đốc Nhà hát Chèo cho biết: Nhà hát đang xây dựng đề án "Múa rối nước với các tích trò độc đáo của Ninh Bình". Nếu đề án khởi động, rối nước Ninh Bình sẽ mang "đặc trưng" riêng mà không pha trộn với bất cứ địa phương nào bởi, Nhà hát sẽ xây dựng thêm những tích trò gắn liền với lịch sử truyền thống, các vị anh hùng, danh nhân người Ninh Bình như: Tích trò cờ lau tập trận, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, tích Rồng vàng… Trước mắt, Nhà hát Chèo đang trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh cho phép được xây dựng sân khấu biểu diễn có mái che để tạo thuận lợi cho hoạt động biểu diễn, phục vụ khán giả tại địa điểm trụ sở Nhà hát.
Về lâu dài, múa rối nước sẽ đến với khán giả trong cả tỉnh, khán giả là du khách trong và ngoài nước tại các địa phương, các điểm du lịch như: Núi chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động… Cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát Chèo, sự quan tâm của tỉnh, sự ủng hộ, chia sẻ của khán giả, nghệ thuật múa rối nước sẽ phát triển hơn nữa.
Bùi Diệu