Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2017 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và có xu hướng tăng mạnh hơn so với những năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp điện tử là hai ngành đã mang lại sản lượng và giá trị sản xuất cao. Sản lượng sản xuất, lắp ráp ô tô cả năm 2017 ước đạt hơn 17 nghìn chiếc, gấp hơn 2,4 lần kế hoạch; modul camera ước đạt 74,6 triệu sản phẩm, tăng 43,1%; linh kiện điện tử ước đạt 310,7 triệu sản phẩm, tăng 35,2%.
Tổng giá trị sản xuất của hai ngành ước đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% tổng giá trị toàn ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Giá trị xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp điện tử ước đạt 481 triệu USD. Đóng góp vào ngân sách của tỉnh ước đạt trên 3.100 tỷ đồng, chiếm 40% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, tăng 24,7% so với năm 2016, trong đó Tập đoàn ô tô Thành Công ước đóng góp ngân sách 3.000 tỷ đồng.
Năm 2017, có một số dự án tiêu biểu của hai lĩnh vực đã có sự phát triển và mở rộng sản xuất như: nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam sau một thời gian đầu tư đã đi vào hoạt động và sản xuất ổn định, liên tục cho ra các dòng xe mới, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng; Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn đã đầu tư mua sắm nhiều máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Sanico Việt Nam tại CCN Gia Vân đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong năm qua Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư phát triển mở rộng sản xuất.
Trong đó công tác quản lý, theo dõi, rà soát, đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế được triển khai thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao như: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020; mở rộng CCN Gia Vân, CCN Mai Sơn, điều chỉnh tiến độ đầu tư của CCN Xích Thổ trong Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Ninh Bình; Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và điều chỉnh bổ sung cơ cấu ngành nghề thu hút đầu tư vào các lô đất 2 dự án thu hồi tại KCN Gián Khẩu; Bổ sung quy hoạch Quốc lộ 37C vào Quy hoạch phát triển giao thông Việt Nam; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020,...
Cùng với đó là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư hạ tầng các KCN, CCN, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Các Sở, ban, ngành liên quan đã tích cực nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Năm 2017, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đăng ký 5,144 nghìn tỷ đồng, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 52 lượt dự án.
Trong đó có 2 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và điện tử: Dự án sản xuất linh kiện điện tử Goryo Việt Nam tại CCN Gia Vân với tổng mức đầu tư trên 38 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung tại CCN Cầu Yên với tổng mức đầu tư trên 443 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và triển khai ứng dụng phần mềm một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đồng bộ, thông suốt, cải thiện mội trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Hiện nay tỉnh đang triển khai cung cấp các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh ở mức độ 2, mức độ 3 và mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử còn những tồn tại và hạn chế. Một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn như Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Mcnex Vina có sản lượng tăng cao nhưng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm còn thấp và vẫn còn thiếu các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành trên.
Mục tiêu năm 2018 đề ra phấn đấu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ước đạt 24.500 xe, camera modul ước đạt 100 triệu sản phẩm và linh kiện điện tử khác ước đạt 285 triệu sản phẩm. Để đạt mục tiêu trên, các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Phối hợp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng và của tỉnh liên quan đến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp ô tô, điện tử. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện và tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ, thuế....
Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN, tạo mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử và nhất là các dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ, đưa ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Hồng Giang