Từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng
Thời gian qua, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 tuyến quốc lộ đi qua, tổng chiều dài 231,18 km, trong đó có những tuyến quốc lộ quan trọng: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, 12, 38, cao tốc Bắc - Nam; 21,6 km đường sắt thuộc tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh với 4 nhà ga; 20 tuyến tỉnh lộ tổng chiều dài 268,65 km và hệ thống đường đô thị, đường huyện, xã và giao thông nông thôn có tổng chiều dài trên 3.000 km, kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.
Ngoài ra, hệ thống sông ngòi tự nhiên thuận lợi cho việc kinh doanh vận tải hàng hóa và kết nối tốt với các tuyến vận chuyển đường bộ và đường sắt, nên hệ thống cảng, nhất là cảng đường sông phát triển mạnh, đến nay có 14 cảng sông và cảng cạnh ICD, số cảng này phần lớn là cảng sông do trung ương quản lý, cụ thể là Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II... Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường bộ, đường thủy cũng được ngành chức năng bố trí kinh phí quản lý bảo trì nên về cơ bản đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt.
Cùng với hệ thống giao thông đồng bộ, tỉnh đã từng bước phát triển hệ thống cảng sông, cảng cạn trên các tuyến giao thông. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 cảng đang hoạt động, phục vụ đắc lực cho nhu cầu cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu và tiêu thụ hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp. Một số cảng có lưu lượng hàng hóa tập trung với số lượng lớn như: Cảng khô ICD và cảng thủy chuyên dùng của Công ty cổ phần Phúc Lộc nằm bên hữu Sông Đáy thuộc địa phận xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, 5 cầu cảng, chiều dài cảng 1.300m, diện tích 34,07 ha, cỡ tầu cập 3.000 tấn; Cảng Ninh Phúc nằm bên hữu sông Đáy 3 cầu cảng, tổng chiều dài cầu cảng 267 m, diện tích sử dụng đất 59,8 ha; Cảng thủy nội địa Vissai, diện tích sử dụng 2,5 ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Vissai, Cảng Long Sơn diện tích 4,7 ha của Công ty TNHH Long Sơn... Hệ thống cảng sông của tỉnh đều ở các vị trí kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông thủy, bộ và gần các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ yếu cảng xây dựng tại sông Đáy thuộc thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số kho trung chuyển hàng hóa hoạt động tương đối hiệu quả của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng, kho xăng dầu, kho nông sản phục vụ xuất khẩu của: Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH Anh Đức, Công ty TNHH Hải Hà, Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình...
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Với những điều kiện về cơ sở hạ tầng phát triển tương đối nhanh, thời gian qua đã thúc đẩy dịch vụ logistics đa phương thức được cải thiện đáng kể về chất lượng, đảm bảo an toàn, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm nên đã được các đơn vị quan tâm triển khai, đầu tư khai thác triệt để. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2019 được các đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển phối hợp vận chuyển ước tính đạt gần 5.000.000 tấn.
Song song với việc phát triển hạ tầng cho ngành dịch vụ logistics, tỉnh đã tập trung rà soát, đơn giản hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Triển khai kế hoạch rà soát TTHC, đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Các cơ quan công khai các TTHC trên trang thông tin điện tử, ưu tiên thực hiện các TTHC ở mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan... Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã công khai TTHC theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động vận tải, logistics.
Tập trung phát triển logistics trong tình hình mới
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song thực tế trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được trung tâm logistics có đủ tiêu chí theo phân hạng trung tâm logistics theo quy định. Hiện tại tỉnh mới chỉ phát triển một số cảng, kho, bãi của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ bốc xếp tồn trữ hàng hóa là nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp và một vài doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh chưa vào chuẩn cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực. Năng lực kết nối mạng lưới và kết nối khu vực còn hạn chế. Việc huy động đầu tư xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. Vận tải đường thủy chưa phát huy hết tiềm năng, năng lực do còn một số tuyến chưa được nạo vét khai thông luồng kịp thời, dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Vận tải đường bộ hiện nay còn phải đảm nhận tỷ trọng lớn so với các hình thức vận tải khác.
Cùng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng thì chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Quy mô doanh nghiệp logistics trong tỉnh hầu hết là rất nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ giản đơn, cung cấp dịch vụ vận tải nội địa, kho hàng, giao nhận, làm thủ tục hải quan hoặc chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các doanh nghiệp logistics lớn khác mà chưa có giải pháp trọn gói và gia tăng.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics trong điều kiện hiện nay, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư logistic để giảm chi phí chính thức và không chính thức vì đây là những yếu tố đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có kế hoạch phát triển dịch vụ logistics, để làm cơ sở huy động các nguồn lực, phối hợp phát triển đồng bộ hệ thống logistics phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi để ưu tiên phát triển các trung tâm logistics nhằm khuyến khích lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm địa phương và phát triển dịch vụ.
Nguyễn Thơm