Trong số đó, du khách đến tham quan và trải nghiệm tại Tràng An - nơi được biết đến như "Hạ Long cạn"chiếm một số lượng đáng kể và có đóng góp tích cực như tăng thu nhập của người dân lên gấp 10 lần, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo… Đồng thời, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao hiểu biết xã hội và kỹ năng nghề cho cộng đồng dân cư tham gia làm dịch vụ du lịch đã làm cho Khu Du lịch sinh thái Tràng An trở thành điển hình về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lập quy hoạch, kế hoạch phát triển Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đây là lựa chọn hợp lý để người dân địa phương chuyển dần từ nghề nông truyền thống sang làm dịch vụ du lịch.
Tại Tràng An hiện có trên 1.000 đò do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ sở hữu và người dân địa phương trực tiếp quản lý, vận hành. Theo ước tính, trước đây, một người nông dân thu nhập trung bình 300.000 đồng/tháng từ làm nông nghiệp thì khi tham gia chèo đò, họ thu nhập khoảng 3.000.000 đồng/tháng, tăng gấp 10 lần.
Chị Đinh Thị The, người chèo đò tại Tam Cốc- Bích Động cho biết, chị đã tham gia chèo đò gần 20 năm, cùng với chèo đò, người dân nơi đây còn có nhiều dịch vụ khác phục vụ du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại điểm du lịch Tam Cốc-Bích Động. Thu nhập từ các dịch vụ du lịch được xem là thu nhập chính trong gia đình chị.
Cùng với việc tăng thu nhập, việc chèo đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An cũng góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, nâng cao kỹ năng và tăng cường hiểu biết về văn hóa, xã hội cũng như ngôn ngữ. Người dân địa phương cũng được giáo dục về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng và ích lợi của việc bảo tồn giá trị di sản, đồng thời khuyến khích khách du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường chung tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Để duy trì những tác động tích cực nêu trên trong tương lai, cần thiết phải quản lý khu vực một cách có trách nhiệm với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia: Để người dân thực sự tham gia vào việc bảo vệ và giữ gìn di sản thì cộng đồng dân cư địa phương cần được tôn trọng với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, chủ sở hữu di sản; là những người nắm giữ, thực hành và chuyển giao di sản cho các thế hệ trẻ. Thái độ tôn trọng vai trò của cộng đồng trước hết thể hiện trong các chương trình phát triển cộng đồng. Điều đó có nghĩa là các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có trách nhiệm xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý tương thích nhằm cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội và văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chủ động hướng dẫn, giúp cộng đồng hội nhập và có đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội, làm cho tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội được nâng cao, an sinh và công bằng xã hội được đảm bảo, mọi người đều có quyền và cơ hội như nhau để thỏa mãn nhu cầu căn bản của cá nhân về mặt vật chất và tinh thần.
Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, để có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái Tràng An thì cần có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và du lịch, các công ty lữ hành, các tổ chức phi chính phủ và quan trọng nhất là người dân nơi có di sản cùng với du khách trong nước và quốc tế. Cộng đồng dân cư cũng là chủ thể tạo lập nhiều dịch vụ du lịch mang sắc thái địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái- nhân văn trong hiện tại và tương lai.
Thiết nghĩ với những giá trị tiêu biểu, duy nhất toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An và thực trạng kinh tế-xã hội của tỉnh hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng các dự án phát triển du lịch cộng đồng. Điều này không chỉ giúp chúng ta bảo tồn và phát huy được các giá trị của di sản mà còn đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân địa phương xung quanh khu vực Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Bảo Yến