Kỳ 5: Tìm lối mở trong kỷ nguyên 4.0
Bài học từ thực tiễn Ninh Bình
Có thể khẳng định, từ những khó khăn, những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế thì thành công trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình xuất phát từ yếu tố con người. Đây chính là bài học quan trọng nhất mà Ninh Bình đã có được sau một thời gian loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán phát triển đảng viên là người có đạo. Trong cuộc trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh, đồng chí đã phân tích rất kỹ vấn đề này: Con người ở đây trước hết là những người lãnh đạo có "tâm" và có "tầm" trong cả hệ thống chính trị. Để có sự thành công nổi bật này, phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp mà cụ thể hóa bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tiễn từng địa phương về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Yếu tố con người ở đây còn là những đảng viên là người có đạo có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn trong quần chúng nhân dân.
Nếu biết sử dụng những đồng chí này làm "cánh tay nối dài" thì việc tuyên truyền, thuyết phục người có đạo sẽ dễ dàng, thuận lợi. Con người ở đây còn là những chức sắc, chức việc tôn giáo; nếu duy trì, củng cố, nâng cao mối quan hệ với các chức sắc, chức việc các tôn giáo, công tác phát triển đảng viên là người có đạo sẽ có rất nhiều thuận lợi vì với người có đạo, đức tin, sự chân thành là quan trọng nhất. Con người ở đây còn là việc bố trí, sử dụng, đào tạo đảng viên là người có đạo để tạo động lực cho họ, để quần chúng có đạo nhìn vào mà noi theo, để người có đạo thấy được quyền và lợi ích khi đứng trong hàng ngũ của Đảng chứ không phải chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ, để không còn những câu hỏi "Vào Đảng để làm gì, vào Đảng để được gì". Yếu tố con người nhìn ở tầm vĩ mô hơn là những nhà lãnh đạo trong hoạch định chính sách, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của huyện, của cơ sở với quan điểm: Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng ngày được nâng cao.
Bài học thứ hai từ thực tiễn Ninh Bình chính là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên phải nắm vững chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tập trung hướng về cơ sở nhất là vùng đồng bào có đạo, qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo để tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người có đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó mới tạo ra được những "hạt giống đỏ" để giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Bài học đoàn kết còn là sự chung tay của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu chung là để có nhiều hơn những quần chúng có đạo ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bài học về đổi mới tư duy, cách làm, nhất là với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng để có những tham mưu đúng, trúng, kịp thời, sát với thực tiễn cho cấp ủy các cấp. Phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nhất là những việc mới, việc khó, những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định. Đó là đòi hỏi cao đối với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, có sự hòa quyện với công tác tư tưởng, công tác dân vận để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Không ai trả công khi nói chuyện, vận động hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời để một người chức sắc tôn giáo có thể "mở lòng" giác ngộ vào Đảng. Rồi bắt kịp khi nào là thời điểm "chín muồi" để xóa xóm trắng đảng viên, trắng chi bộ, để những "mầm xanh" trở thành "hạt giống đỏ" trong Đảng... Câu trả lời duy nhất là chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị mà trước hết là đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bài học về sự nêu gương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác phát triển đảng viên là người có đạo cũng có thể nhìn thấy rõ từ thực tiễn triển khai tại Ninh Bình. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, lan tỏa những hành động đẹp trong người có đạo đã được triển khai và đi vào thực tiễn sinh động, như tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phong trào hiến giác mạc. Ninh Bình trở thành địa phương tiêu biểu trong cả nước trong phong trào hiến giác mạc. Sự nêu gương còn thể hiện ở những đảng viên là người có đạo khi giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đã tiếp tục sống trọn vẹn 2 vai "đạo" và "đời".
Trong ảnh: Một góc thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn
Đề xuất giải pháp mở thời 4.0
Đến nay, tuy chưa kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đều đạt và vượt, trong đó tỷ lệ đảng viên là người có đạo cao; chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên. Nhưng cuộc cách mạng 4.0 có những yêu cầu phát triển riêng của nó. Khảo sát từ thực tiễn cơ sở, nhóm phóng viên chúng tôi thấy có một số giải pháp có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo trong thời gian tới.
Đồng chí Hà Thế Anh, Phó bí thư Huyện đoàn Gia Viễn nêu quan điểm: Trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên ưu tú để giới thiệu cho Đảng thì có 2 việc chính là: Giải quyết vấn đề thanh niên đi làm ăn xa và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là trong thời "lên ngôi" của các mạng xã hội như zalo, facebook...như hiện nay. Thế Anh nhấn mạnh với chúng tôi, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức bức thiết và thực hiện càng sớm càng tốt, ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đồng quan điểm này, nhiều người trực tiếp làm công tác tổ chức xây dựng Đảng cũng nêu ra những giải pháp mở, có tính đổi mới để làm tốt công tác này. Đồng chí Trần Việt Hùng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nho Quan nhấn mạnh: Chúng ta cần đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cuốn hút, phù hợp với lứa tuổi, giáo dục từ khi còn trong các trường THCS, Trường THPT. Có thể mạnh dạn tạo các trang facebook, zalo chính thống để định hướng các em có những mục tiêu, lý tưởng đẹp, bồi đắp tình yêu với Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó có sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, phản động, bôi xấu Đảng và Nhà nước, tránh xu hướng đám đông, có bản lĩnh chính trị và nhận thức đúng đắn ngay còn trên ghế nhà trường. Ngoài các hoạt động giáo dục trực tiếp thông qua nói chuyện, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, có thể trực tuyến những cuộc nói chuyện truyền thống, các chuyến đi về nguồn, những thước phim tư liệu xúc động ... trên các mạng xã hội để nâng cao tính tương tác và nhiều em học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được vì hiện tại các em đang sống trong không gian "ảo" nhiều. Theo cách làm bồi đắp dần, phù hợp với xu thế thời đại thì những "búp măng non" sẽ lớn lên dần trong "mùa cách mạng", có những nhận thức ban đầu về Đảng và có động cơ phấn đấu đúng đắn.
Một vấn đề khá nan giải nữa là giải quyết thực trạng thanh niên đi làm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ có mặt ở nơi cư trú vào buổi tối dẫn tới gặp khó khăn khi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Theo quan điểm của chúng tôi, trong kỷ nguyên 4.0 có thể áp dụng hình thức học trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa linh hoạt về địa điểm học để nhiều người có thể tham gia khóa học, bồi đắp dần nhận thức về Đảng. Với hình thức này, mỗi người có thể tham gia nhiều khóa học, linh hoạt về thời gian, địa điểm tiếp nhận. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức làm bài viết thu hoạch sau khi kết thúc khóa học thành bài trắc nghiệm để tránh tình trạng hình thức, sao chép trên mạng, sao chép của nhau. Giải pháp dài hơi là nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà đối tượng quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay, việc thực hiện các thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên còn hành chính hóa và thủ công; nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp cần được nghiên cứu để khoa học, thuận tiện, nhưng chính xác hơn. Chẳng hạn như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chia sẻ dữ liệu phần mềm quản lý các hộ gia đình, đến từng công dân, trong đó có quần chúng là đối tượng kết nạp Đảng như vậy sẽ vừa bảo đảm khoa học, nắm đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về quần chúng, không phải thực hiện các thủ tục thẩm tra, xác minh bằng hình thức thủ công như hiện nay. Đưa công nghệ vào để quản lý quần chúng, quản lý đảng viên, chúng ta có quyền hy vọng về một "mô hình một cửa" trong quy trình kết nạp Đảng theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn đảm bảo những quy định của Điều lệ Đảng.
Cũng từ thực tiễn tại cơ sở, có thể thấy rằng quy định, hướng dẫn về kết nạp Đảng như hiện nay cần được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp. Theo quy định thì những nơi không có tổ chức Đoàn thanh niên thì do tổ chức Công đoàn và một đảng viên chính thức giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng hoặc do 2 đảng viên chính thức giới thiệu. Tuy nhiên, thiết nghĩ cần nghiên cứu bổ sung để các đoàn thể chính trị - xã hội khác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, kể cả Hội Cựu Chiến binh cũng được giới thiệu những quần chúng ưu tú của mình với Đảng để xem xét, kết nạp, như vậy sẽ bảo đảm sự phong phú, khách quan, chính xác và chất lượng hơn trong giới thiệu nguồn kết nạp.
Thực tiễn triển khai công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là người có đạo nói riêng ở Ninh Bình thời gian qua, đã cho thấy các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề này; quán triệt và kiên định mục tiêu cuối cùng phát triển đảng viên là người có đạo là góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, khắc phục những "khoảng trống" để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những kết quả đạt được cùng với những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để làm tốt công tác này trong thời gian tới. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sẽ gặt hái được nhiều thành công mới trong những chặng đường tiếp theo.
Kỳ 1: Từ đức tin đến lý tưởng cách mạng
Kỳ 2: Đãi cát tìm vàng
Kỳ 3: Đủ nắng hoa sẽ nở
Kỳ 4: Trái ngọt
Kim Toàn - Bùi Quang - Quỳnh Thu