Tăng sức trẻ - Yêu cầu đặt ra từ thực tiễnNhiệm kỳ 2010-2015, công tác phát triển đảng viên, nhất là trong công nhân lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, chủ doanh nghiệp và người có đạo được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp, hình thức đa dạng, phong phú cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng số lượng bình quân mỗi năm kết nạp được 2.300 đảng viên vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra (mỗi năm kết nạp từ 2.500 đảng viên mới trở lên).Từ những khó khăn trong thực tiễn công tác phát triển đảng viên, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã xác định tăng cường phát triển đảng viên trẻ là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong tình hình mới nhằm tăng sức trẻ cho Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Chúng tôi có dịp làm việc về công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, nhất là đảng viên trẻ ở Nho Quan.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, trong đó coi công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, nhất là đối với quần chúng là người có đạo, người dân tộc.
Theo đó, ngoài chú trọng tạo nguồn từ đoàn viên, thanh niên đang sinh hoạt ở địa phương, bộ đội xuất ngũ, có chính sách để thu hút sinh viên tốt nghiệp ra trường về công tác trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, kết nạp vào Đảng một số trường hợp tốt nghiệp THCS, hiện đang đảm nhận trưởng thôn, trưởng, phó các chi hội đoàn thể ở thôn, xóm, bản để bổ sung nguồn kế cận cho Đảng ở các chi bộ. Trong quá trình bồi dưỡng, giúp đỡ, chi bộ động viên để đối tượng theo học nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị.
Với nhiều cách làm cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015, toàn Đảng bộ kết nạp được 206 đảng viên mới, trong đó đảng viên là dân tộc thiểu số 31 người, đảng viên ở khu dân cư là 92 người, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức là 73 người, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 8.547 người, sinh hoạt ở 78 tổ chức cơ sở Đảng.
Cũng như huyện Nho Quan, để khắc phục tình trạng "già hóa" đảng viên, nhiều đảng bộ, chi bộ ở huyện Kim Sơn đã chủ động đề ra những giải pháp mang tính lâu dài, hiệu quả như: Đối với những chi bộ gặp khó khăn trong phát triển Đảng, Đảng ủy phân công các đồng chí ủy viên ban chấp hành trực tiếp làm bí thư lãnh đạo chi bộ xây dựng nghị quyết về công tác phát triển Đảng; giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trong việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại hàng năm.
Quan tâm tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương để thanh niên tham gia làm kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng.
Các chi bộ thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng quy định về sinh hoạt định kỳ theo phương châm đổi mới nội dung, phương pháp, chọn đúng những vấn đề nhân dân quan tâm để thảo luận, đề ra phương hướng giải quyết, tạo niềm tin cho nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn nhấn mạnh: Với đặc thù là huyện có đông đồng bào có đạo, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo mở một số lớp nhận thức về Đảng ngay tại vùng đó để quần chúng ưu tú là người có đạo dự học.
Từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 253 đảng viên là người có đạo, 4 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, 55 đảng viên là học sinh các trường THPT.
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 5 năm gần đây, tổ chức Đảng các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên, đáp ứng tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt quan tâm củng cố các chi bộ đảng khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc...
Vài năm trở lại đây, để phù hợp với thực tiễn, việc phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ được chú trọng tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Nhiều công ty tư nhân, tập đoàn kinh tế đã thành lập được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
Nhìn chung, số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ, chi bộ và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với việc quan tâm lãnh đạo công tác phát triển Đảng, hy vọng, tình trạng "già hóa" đảng viên từng bước được khắc phục, để những đảng viên trẻ thực sự là nhân tố quan trọng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Phạm Đình Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhìn nhận: Giải pháp có tính bền vững, lâu dài để tạo nguồn kết nạp đảng viên trẻ là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm ổn định để "giữ chân" người lao động, tạo điều kiện cho lực lượng đoàn viên, thanh niên yên tâm ở lại địa phương. Các cấp ủy cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài, hiệu quả
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phát triển đảng viên. Trên cơ sở chỉ tiêu Đại hội đề ra của cả nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm, trong đó chú trọng phát triển đảng viên trong đoàn viên thanh niên, cán bộ nữ, người có đạo, dân tộc ít người. Đối với các vùng có đồng bào có đạo, cấp ủy cấp trên cơ sở ra nghị quyết chuyên đề để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng hiện có, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc đề ra chỉ tiêu phấn đấu kết nạp đảng viên cho đơn vị mình. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, theo dõi tiến độ thực hiện để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở thực hiện đảm bảo đúng quy định và kế hoạch đã đề ra.
Các chi bộ, đảng bộ đã xây dựng kế hoạch cụ thể, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới, cụ thể hóa các chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm, tình hình của đảng bộ, chi bộ mình và đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn của Đảng.
Lãnh đạo các đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; phát động các phong trào thi đua yêu nước để lựa chọn những cá nhân ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét kết nạp vào Đảng.
Trao đổi với đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy về những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí nhấn mạnh: Đây là vấn đề không mới nhưng triển khai trong thực tiễn rất khó.
Tuy nhiên, càng khó chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện để đưa chỉ tiêu này "về đích" khi kết thúc nhiệm kỳ XXI. Muốn vậy, phải bắt tay vào thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu, năm đầu của nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ tiêu kết nạp đảng viên được Đại hội Đảng bộ tỉnh biểu quyết giảm so với nhiệm kỳ trước 500 đảng viên mỗi năm, nghĩa là trong nhiệm kỳ yêu cầu mỗi năm kết nạp 2.000 đảng viên trở lên. Con số này là phù hợp với thực tiễn, nhất là những khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng.
Từ kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 21 ngày 17-7-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng" tại 8 huyện, thành phố, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ có những tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên, đưa vào chương trình công tác toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh...
Cũng theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên cần các giải pháp đồng bộ, khoa học, mang tính dài hơi bởi đây là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển của Đảng.
Trước hết, cần tích cực chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc rà soát nguồn cảm tình Đảng, lập danh sách theo dõi, bồi dưỡng, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu công nghiệp...
Trong bối cảnh thực tiễn, khi lực lượng lao động trẻ tập trung tại các khu công nghiệp, cần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng đối với người lao động, công nhân, chủ doanh nghiệp. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... phát động phong trào hành động thiết thực tại cơ sở, thu hút đoàn viên, hội viên vào các hoạt động thực tiễn.
Cử quần chúng tích cực đi dự các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng để họ có những hiểu biết nhất định về Đảng, về quyền và nghĩa vụ của đảng viên, xác định động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Phân công đảng viên bồi dưỡng, giúp đỡ, theo dõi quá trình rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành của quần chúng tích cực.
Đồng thời phải tích cực đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, triển khai thực hiện tốt việc phân công đảng viên chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn về dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, phố; gắn công tác phát triển Đảng với các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...
Các địa phương cũng cần bám sát 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng công tác phát triển Đảng.
Quỳnh Thu