Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Thành Công, ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Ninh Bình cũng đang từng bước phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các dự án sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho sản xuất và lắp ráp ô tô, với tổng số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, một số doanh nghiệp đã đi vào sản xuất có hiệu quả như: Nhà máy sản xuất cần gạt nước ô tô của Công ty TNHH ADM21 Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú, năng lực sản xuất 20 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung tại Cụm công nghiệp Cầu Yên, công suất 570.500 sản phẩm/năm, chủ yếu là ống xả, linh kiện ống xả, động cơ; Nhà máy sản xuất ghế ngồi ô tô dự án DNC Automotve tại KCN Phúc Sơn; Nhà máy sản xuất đinh ốc vít Chia Chen tại KCN Khánh Phú. Ngoài ra còn một số dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư như: dự án sản xuất dây dẫn điện Memory tại KCN Phúc Sơn; sản xuất da, gioăng silicon cho công nghiệp ô tô tại KCN Khánh Phú...
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, nhưng ngành công nghiệp này vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp chủ yếu là sản phẩm phụ như săm, lốp, dây điện, sơn và một số đồ nhựa nội thất.
Các bộ phận chính như động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống truyền lực xe, khung thân vỏ, cửa xe, hệ thống phanh... hiện vẫn đang nhập khẩu, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành ô tô cũng như sức cạnh tranh với ô tô nhập ngoại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, mặc dù các linh kiện nhập khẩu để sản xuất ô tô đã được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, các linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất công nghiệp phụ trợ ô tô vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đáng kể. Điều này dẫn đến việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn khó có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tỉnh Ninh Bình xác định phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ là mũi nhọn chiến lược phát triển công nghiệp cũng như phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước để xây dụng hạ tầng KCN Gián Khẩu và khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất ô tô của Tập đoàn Thành Công; hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Cầu Yên và một số Cụm công nghiệp khác để thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khuyến khích các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cùng với đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Ngoài ra tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh để có cơ sở triển khai các thủ tục xây dựng, mở rộng KCN Gián Khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Thành Công mở rộng sản xuất và thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nguyễn Thơm