Ông Đoàn phấn khởi cho biết: Trước đây, quy mô chăn nuôi của gia đình rất nhỏ lẻ. Sau khi Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành được thành lập, gia đình tôi quyết định tham gia. Là thành viên của Tổ hợp tác, gia đình tôi đã được tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay, được tập huấn và tiếp cận với những kiến thức mới trong chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Đồng thời, chúng tôi cũng có được nguồn thức ăn bảo đảm. Từ khi tham gia Tổ hợp tác, năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra ở trang trại của gia đình tăng hơn so với trước, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Phạm Văn Sinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành cho biết: Khi tham gia vào Tổ hợp tác, các thành viên phải ký cam kết bảo đảm chăn nuôi lợn sạch và an toàn thực phẩm. Thông qua Tổ hợp tác, các thành viên được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Tổ hợp tác cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất con nuôi, cùng nhau phát triển.
Hoạt động có hiệu quả, Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành đã và đang thu hút đông các thành viên tham gia.
Hiện nay, Tổ hợp tác có 45 thành viên, tăng 18 thành viên so với khi mới thành lập. Các thành viên hiện có khoảng 600 con lợn nái, gần 6.000 con lợn thịt và hàng nghìn lợn giống, bình quân thu nhập của mỗi thành viên đạt 400 - 600 triệu đồng/năm. Lượng con giống không chỉ đủ cung cấp cho các thành viên mà còn xuất bán cho các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: Xã Khánh Thành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín, thành lập các mô hình Tổ hợp tác sản xuất từ cây, con giống đến tiêu thụ sản phẩm.
Chính vì vậy, phát triển mạnh các tổ hợp tác, trong đó có các tổ hợp tác chăn nuôi là chủ trương và hướng đi của xã trong thời gian tới nhằm khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Hình thức này đảm bảo cho các thành viên tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Được biết, để các Tổ hợp tác nói chung cũng như Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành phát triển, thời gian qua xã Khánh Thành đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện để các thành viên được hỗ trợ về nguồn vốn vay dài hạn, tạo quỹ đất, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung....
"Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện hơn nữa để các tổ hợp tác phát triển, UBND xã sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm trọng điểm để nhân rộng mô hình hợp tác xã. Đồng thời tăng cường việc giới thiệu đối tác và tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ổn định, bền vững"- ông Phạm Văn Huynh khẳng định.
Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm xã Khánh Thành là một điển hình trong liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn, tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Việc phát triển của Tổ hợp tác không chỉ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình mà còn là xu hướng của mô hình kinh tế tập thể hiện đại. Điều này cũng mở ra hướng đi để ngành chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Mai Lan