Các nhà khoa học đã chứng minh cây xanh trong đô thị có vai trò điều hòa khí hậu, làm cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường… Cụ thể: Một cây trưởng thành, khỏe mạnh có thể hấp thụ khoảng 2,5 kg CO2/ năm, 3000 đến 7000 hạt bụi/m3 không khí và cung cấp lượng O2 cần thiết cho 4 người. Ngoài ra chúng có hể hút được một số lượng nhất định các chất độc hại như cadmium, chrome, nickel, chì… Một số kết quả nghiên cứu mới đây cũng đã chỉ ra rằng: cây xanh sẽ làm giảm chi phí sử dụng năng lượng từ 20-25% cho một gia đình; tăng khả năng chắn gió, giảm tiếng ồn; tăng chất lượng không khí, có thể làm giảm hàm lượng khói bụi đến 6%; giảm sức nóng của mặt đường từ 6-80oC; cây xanh còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của con người… Ngày nay, một trong những tiêu chí quan trọng của "Thành phố văn minh, hiện đại", "Thành phố môi trường" chính là cây xanh đô thị. Cây xanh góp phần tạo nên không gian văn hóa, chính các tính chất của cây xanh như hình dạng, màu sắc sẽ tạo cho mỗi đô thị một sắc thái và đặc trưng riêng.
Như vậy, có thể thấy được vai trò rất quan trọng cũng như không thể thiếu của hệ thống công viên cây xanh trong đời sống của cư dân đô thị. Tuy nhiên cần biết rằng, kiến trúc cây xanh đô thị đòi hỏi ngoài việc cho bóng mát, còn cần tính mỹ quan, tạo nét đặc trưng cho các tuyến phố, bên cạnh đảm bảo an toàn giao thông còn phải giữ gìn vệ sinh tuyến đường, khu phố sạch, đẹp… Thực tế ở tỉnh ta, vẫn còn những tuyến đường có cây xanh, nhưng cây trồng chưa phù hợp. Các cây không đồng nhất về kích thước và chủng loại nên cây thì to, cây thì nhỏ chưa đảm bảo mỹ quan đô thị. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, vỉa hè lồi lõm luôn có đường điện phía trên nên nhiều trường hợp cây bị chặt ngọn. Nhiều loại cây không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nên chưa phản ánh được đặc trưng của không gian đô thị. Một vài nơi dành quỹ đất để làm công viên mi ni, vườn hoa nhưng lại rơi vào tình cảnh không có tiền nên người dân tận dụng trồng rau, hoa màu hoặc bỏ hoang. Chính vì vậy, việc quy hoạch, trồng cây xanh ở thành phố Ninh Bình nói riêng, các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh nói chung là việc cấp bách, cần làm ngay. Phải tiến hành khảo sát và nghiên cứu thật kỹ để thiết kế mô hình trồng và chọn loại cây phù hợp. Cụ thể cây xanh công viên sẽ gồm những loại nào? Cây xanh đường phố, dân cư thì ra sao?... Sau khi có định hướng như vậy thì mới có căn cứ phát triển hệ thống cây xanh bền vững.
Chị Hoàng Thị Lan, phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình cho rằng, đường Vân Giang, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong… cây xanh trồng chưa đồng nhất, cần được nghiên cứu thay thế. Song song đó, cần phải phát động, tuyên truyền để người dân nhận thức tầm quan trọng của cây xanh để cùng Nhà nước chăm sóc, bảo vệ cây. Từng cá nhân, hộ gia đình hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, hễ có một khoảng diện tích nào có thể tận dụng được thì ở đó có thể tận dụng để trồng cây xanh, hoa, cây cảnh…
Còn theo ý kiến của một số chuyên gia thì tiêu chuẩn chọn cây trồng vỉa hè, trước hết phải là cây có thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt, không giòn, dễ gãy bất thường gây tai nạn. Cây có tán, cành lá gọn, rễ cái và phần lớn bộ rễ ăn sâu trong đất, giữ cây vững chắc, khó bị đổ. Không có hoặc ít rễ ăn nổi gần mặt đất để tránh làm hư hại vỉa hè, mặt đường và công trình xây dựng xung quanh gốc cây. Lá có bản rộng, hoa, quả không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh…Vòng đời sống cây tương đối dài để đỡ tốn kém khi phải trồng lại. Có sức phát triển chiều cao tương đối nhanh, để sớm phát huy tác dụng. Cây có sức chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên và sâu hại. Các tiêu chuẩn cần lựa chọn linh hoạt vì khó chọn được loài cây đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đó. Lưu ý các tiêu chuẩn về thân, rễ, lá. Nên chú ý tạo nét riêng cho mỗi con đường bằng loài đặc trưng và trên một đường hay một đoạn dài nên trồng một loài cây để vừa dễ chăm sóc, vừa đẹp và cần trồng thẳng hàng.
Được biết, mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng hoàn thiện việc quy hoạch và phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh, xác định cụ thể đất dành cho cây xanh; quản lý chặt chẽ quỹ đất này… Hiện, Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị TP Ninh Bình đang tìm hiểu, học tập kinh nghiệm thực tiễn của các thành phố lớn, thực hiện thay thế, trồng cây xanh tập trung, có chiều dài tuyến, góp phần tạo điểm nhấn ấn tượng, mang phong cách riêng có của thành phố Ninh Bình. Nhóm cây xanh mà Thành phố tiếp tục trồng sẽ là các loại cây có hoa, tuổi thọ dài, tán rộng bóng mát, ít rụng lá như: Cây Sao đen, Muồng hoa vàng, Bằng lăng hoa tím, cây OSAKA, Sấu, Lát… Công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị cũng đang được đẩy mạnh thông qua các cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích các cá nhân, tập thể tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây đường phố.
Hà Phương