Trải qua 70 năm, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội và luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong các giai đoạn lịch sử. Trong thành tựu chung của Quốc hội suốt 70 năm qua có sự đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh qua các nhiệm kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tâm huyết, công sức, trí tuệ của mình nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào những thành tựu của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Vì vậy, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…".
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình".
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, ngày 6-1-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của Thực dân Pháp ở phía Nam và đã thắng lợi tại tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước, với số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với sự phát triển của Quốc hội trong suốt 70 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có 74 đại biểu tham gia các khóa, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua 13 nhiệm kỳ hoạt động với mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau nhưng ý thức được trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng như với cử tri cả nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành trọng trách của mình, đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của Quốc hội và góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm hoạt động của các đại biểu Quốc hội khóa trước, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, kế hoạch chung của Quốc hội, đảm bảo chất lượng, đi vào chiều sâu. Hoạt động của Đoàn luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Tỉnh ủy, có sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan có liên quan, do vậy đã hoàn thành tốt các nội dung, yêu cầu công việc đề ra. Nổi bật là công tác tham gia xây dựng pháp luật; công tác giám sát chuyên đề, khảo sát, chất vấn; công tác tiếp xúc cử tri; công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và các hoạt động khác của Đoàn tại các kỳ họp Quốc hội.
Những năm gần đây, tại các kỳ họp Quốc hội, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát thực tiễn, tổ chức hội nghị góp ý… vào các dự án luật, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống ở địa phương. Trong kỳ họp, ngoài những đóng góp vào các hoạt động, chương trình nghị sự của Quốc hội, bên lề kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác tiếp xúc cử tri được Đoàn duy trì, có nhiều đổi mới với việc tổ chức tiếp xúc sâu, sát đến cơ sở, đa dạng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Các buổi tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, bảo đảm để đại biểu Quốc hội lắng nghe, trao đổi trực tiếp với cử tri trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm. Sau các đợt tiếp xúc, Đoàn phối hợp với Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan ở địa phương có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Việc đôn đốc, đề nghị các cơ quan chức năng trả lời kiến nghị của cử tri được quan tâm, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội gửi các Bộ, ngành Trung ương đến nay đều đã nhận được trả lời. Các ý kiến trả lời đều được đăng tải trên Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh; đồng thời, trong các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn cũng đã thông báo trực tiếp tại các hội nghị để cử tri và nhân dân được biết.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng luôn coi trọng hoạt động giám sát và chất vấn. Đoàn đã tổ chức nhiều cuộc giám sát và nhiều cuộc khảo sát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, qua đó giúp cho đại biểu Quốc hội tiếp cận, nắm sâu sát thực tế, nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống để tham gia thảo luận, quyết định tại Quốc hội. Cũng thông qua việc giám sát, Đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Do vậy, nhiều kiến nghị đề xuất của Đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương. Mặt khác, hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, tăng cường giám sát những vụ việc phức tạp, kéo dài, góp phần vào ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xã hội được Đoàn quan tâm, bằng tín nhiệm và sự vận động xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã vận động nhiều nhà tài trợ giúp đỡ địa phương nhiều công trình, việc làm thiết thực như trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa...
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh qua các nhiệm kỳ đã góp phần đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh. Trong thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh qua các khóa đều có những đóng góp quan trọng của nhân dân và cử tri tỉnh Ninh Bình đã thực hiện quyền, nghĩa vụ của người công dân, hăng hái tích cực tham gia đi bầu cử, bằng lá phiếu của mình sáng suốt lựa chọn bầu ra các vị đại biểu Quốc hội đủ tiêu chuẩn, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, chúng ta quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nắm chắc thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, phát huy mọi nguồn lực, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đang bắt tay thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, cùng với thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp tổ chức quán triệt Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tập trung lãnh đạo và thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử; lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, có bản lĩnh, am hiểu thực tiễn, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Kế thừa và phát huy thành quả vẻ vang 70 năm qua của Quốc hội Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh và các cơ quan dân cử của tỉnh tiếp tục có nhiều nỗ lực hơn nữa, chủ động sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, với kinh nghiệm, trí tuệ và tâm huyết, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ, phát huy tinh thần của người đại biểu nhân dân, là tấm gương để con cháu học tập noi theo, có những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, của Quốc hội và quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.
Nguyễn Thị Thanh
UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh