Ninh Bình là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong không gian văn hóa vùng du lịch Đông Bắc Bộ Việt Nam. Các di sản văn hóa của tỉnh khá đa dạng, phong phú về loại hình, tính chất (đầy đủ các loại hình di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể), trong đó, có những di sản có giá trị lịch sử văn hóa cao, kết tinh văn hóa truyền thống dân tộc, nhiều di sản có giá trị độc đáo. Tiêu biểu như: Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Đông Nam á đến hiện nay), Cố đô Hoa Lư (di tích cấp Quốc gia đặc biệt), cột kinh chùa Nhất Trụ (bảo vật quốc gia), Lễ hội Trường Yên (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), nhà thờ đá Phát Diệm (thánh đường Công giáo độc đáo nhất Đông Nam á)… Điều đáng nói các di sản văn hóa của Ninh Bình phân bố rộng, đều khắp các huyện, thành phố, có mật độ cao, dễ dàng kết nối và trải nghiệm. Đây là điều kiện tốt để Ninh Bình khai thác tiềm năng, lợi thế của di sản để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, nhất là phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có thanh niên. Đặc biệt, sau khi trở thành di sản thế giới, khách du lịch tìm đến khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng tăng, chính vì vậy đã tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là sự tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch.
Theo thống kê sơ bộ, số lượng thanh niên tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch trong khu di sản chiếm đến hơn 50%, bao gồm một số dịch vụ như chèo đò, bán hàng, chụp ảnh, lễ tân khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch... Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, các cấp bộ Đoàn, Hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động như: thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh tại các di tích và khu, điểm du lịch...
Các cấp bộ Đoàn, Hội còn thường xuyên tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa cho khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước; kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn du khách có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường di sản, không có các hành vi xâm hại đến di sản như không xả rác bừa bãi, không phá hoại cảnh quan, săn bắt chim, động vật, tài nguyên khoáng sản...
Mô hình "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh" tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Riêng năm 2016, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức được 364 buổi tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hút 23.125 đoàn viên thanh niên tham gia; trồng mới trên 25.000 cây xanh các loại.
Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của thanh niên trong phát triển du lịch, Hội LHTN tỉnh đã phát động cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa du lịch". Theo đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho thanh, thiếu niên về lịch sử, văn hóa, truyền thống; về các danh nhân, các di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được triển khai, qua đó nâng cao nhận thức của thanh niên trong công tác bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy trong thanh niên việc chủ động tìm hiểu về lịch sử truyền thống mảnh đất, con người Cố đô.
Năm 2016, các cấp Hội LHTN tỉnh đã tổ chức 5 buổi nói chuyện, diễn đàn, tọa đàm với các chủ đề về du lịch nhằm trang bị kiến thức, định hướng cho thanh niên những chuẩn mực, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, góp phần vào việc xây dựng lớp thanh niên Ninh Bình năng động, hội nhập, thân thiện, biết tự hào và trân trọng những giá trị truyền thống của người Tràng An xưa.
Cũng trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Ban trị sự chùa Bái Đính tổ chức chương trình "Ngày chủ nhật xanh hướng nguyện" tại chùa Bái Đính và cho ra mắt Đội thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động tuyên truyền về văn minh du lịch tới du khách, vệ sinh môi trường với hơn 200 tình nguyện viên tham gia. Các hoạt động trên góp phần giáo dục, tuyên truyền tới người dân và du khách nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, tại các cơ quan quản lý di sản, các đoàn viên thanh niên cũng đang tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Hiện nay trong Quần thể di sản có 28 di tích khảo cổ học đã được khảo sát điền dã, trong đó có 12 di tích đã được thăm dò và khai quật. Trong các đợt nghiên cứu, các đoàn viên thanh niên luôn tích cực đồng hành cùng các đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành khai quật nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học tiêu biểu để làm rõ hơn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An.
Sự tham gia của tầng lớp thanh niên vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản, mà còn là lực lượng giám sát nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý di sản giải quyết kịp thời những hành vi ảnh hưởng không tốt đến di sản; đồng thời, sự tham gia có hiệu quả của thanh niên cũng góp phần từng bước hình thành văn hóa du lịch, thúc đẩy du lịch trên địa bàn ngày càng phát triển.
Mai Lan