Mặc dù tuổi cao sức yếu, song lớp NCT vẫn là một lực lượng lao động quan trọng, tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 60% NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Đặc biệt, NCT còn là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để duy trì và phát triển các nghề truyền thống như nghề thêu ren ở Ninh Hải (Hoa Lư), nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân (Hoa Lư), nghề mộc ở Ninh Phong (thành phố Ninh Bình)… Bên cạnh đó, thông qua các câu lạc bộ liên thế hệ ở thị xã Tam Điệp, huyện Hoa Lư… đã giúp phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Qua phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng như ông Phạm Văn Huấn, thôn Nguyễn Xá, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình). Khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 1989 ông đã mạnh dạn nhận đấu thầu gần 2 mẫu đất hoang hóa cải tạo thành ao thả cá và ruộng cấy. Ông dành gần 1 mẫu để đào thành 3 ao thả cá (hai ao nuôi cá giống và một ao nuôi cá thương phẩm). Tận dụng đất trên bờ ao, ông Huấn trồng hơn 100 gốc chuối và trên 600 gốc sắn. Diện tích còn lại ông dành cấy lúa và trồng rau cần. Ngoài ra, ông còn tận dụng ốc bươu vàng trong ao, ruộng lúa và các loại cá có giá trị kinh tế thấp duy trì nuôi gà đẻ trứng và gà thương phẩm. Đến nay, mô hình kinh tế của ông Huấn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, khoảng 80 triệu đồng/năm.
NCT còn tích cực nêu gương sáng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội NCT các cấp đã chủ động phối hợp với Hội Khuyến học thực hiện các chương trình phối hợp bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Phong trào "Mùa xuân khuyến học" đã được triển khai rộng rãi, mỗi năm vận động được hàng tỷ đồng. Cụ thể hóa phong trào "Tuổi cao gương sáng", NCT tiếp tục đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, do vậy, số gia đình có NCT đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 60 - 80% tổng số hộ trong các khu dân cư… Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hội viên đã hiến đất, hiến kế, hiến công, điển hình như ông Phạm Xuân Chuẩn là Chủ tịch Hội NCT và 11 hội viên thôn 5, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) hiến 430 m2 đất và tháo dỡ 400 m2 tường rào để làm đường giao thông; cụ Dương Ngọc Quán (82 tuổi) ở xã Yên Thắng (Yên Mô) đã hiến 240 m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn; cụ Dương Văn Thủy ở xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp) hiến trên 1.000 m2 đất để xã xây công trình nhà bia tưởng niệm liệt sỹ…
Thời gian qua, Hội cũng thường xuyên vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí.
Để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho hội viên, Hội NCT cơ sở đã quan tâm thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ thơ ca, văn hóa, văn nghệ, tâm năng dưỡng sinh… Các câu lạc bộ này thực sự là nơi giao lưu, chia sẻ, tạo sự gắn bó giữa các hội viên trong niềm vui tuổi già.
Để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người cao tuổi từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Báo NCT và Bệnh viện Mắt tỉnh triển khai chương trình mắt sáng cho NCT ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn. Mục tiêu của cuộc vận động phấn đấu đến năm 2015 có từ 50% người cao tuổi (khoảng 53.000 người) được khám miễn phí để phát hiện các bệnh về mắt và được tư vấn nâng cao kiến thức để biết tự phòng các bệnh về mắt.
Hiện các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách đối với người cao tuổi trong chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần; chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, thể thao... Đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng của NCT trong việc góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đào Duy