Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp Hội tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó có thể kể đến việc lồng ghép tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện "dồn điền đổi thửa", chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Hội Nông dân tỉnh tăng cường các tin, bài viết trên Website Hội, phát hành bản tin Nông dân Ninh Bình, trong đó có chuyên mục xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những gương tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn chuyển giao KHKT... cho hội viên, nông dân.
Được biết, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn về xây dựng NTM với nhiều nội dung thiết thực giúp cán bộ Hội nâng cao kỹ năng, kiến thức tuyên truyền, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM và hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập. Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền như tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các hội thi "Tuyên truyền viên giỏi", "Nhà nông đua tài"... thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Các phong trào thi đua do Hội phát động và tổ chức thực hiện như phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh đều hướng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 tháng năm 2016, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 820 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 60 nghìn lượt hội viên, nông dân, góp phần tham gia các chương trình phát triển kinh tế nông thôn. Các tổ chức Hội ở cơ sở đã tín chấp, cung ứng 1.220 tấn phân bón chậm trả cho nông dân, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ triển lãm. Tuyên truyền, vận động 100% hội viên nông dân ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn". Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mô hình VAC tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao và đang nhân ra diện rộng như mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh, trồng các loại cây ăn quả trái vụ, nuôi bò sinh sản, nuôi con đặc sản, nuôi lợn ngoại hướng nạc, nuôi vịt trời, trồng bưởi diễn.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, cơ sở Hội tổ chức khai giảng 7 lớp dạy nghề cho nông dân, gồm 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp đan cói và đan bèo bồng cho 75 hội viên nông dân xã Khánh Thiện, Khánh Hội, Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) và 2 lớp dạy nghề nông nghiệp về nuôi phòng trị bệnh cho gà thu hút 70 hội viên nông dân tại xã Gia Hưng (Gia Viễn) và xã Sơn Hà (Nho Quan), 2 lớp trồng rau an toàn cho 70 hội viên của xã Gia Hưng (Gia Viễn) và xã Văn Phong (Nho Quan).
Được biết, sau 48 ngày, 2 lớp dạy nuôi và trị bệnh cho gà đã kết thúc, sau lớp học các học viên của lớp dạy nghề đã mạnh dạn đầu tư đã áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà tại gia đình, đến nay đang phát triển tốt. Anh Trịnh Ngọc Chinh, hội viên Hội Nông dân xã Sơn Hà đã theo học lớp tập huấn cho biết: Các học viên được giảng viên hướng dẫn thực hành thực tế theo hình thức cầm tay chỉ việc, như kỹ thuật làm chuồng, lựa chọn giống, về kỹ thuật úm gà con, chế độ dinh dưỡng, lựa chọn loại thức ăn cho gà ở các giai đoạn, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà, vệ sinh chuồng trại, nước uống, nhận biết một số bệnh thường phát sinh trên đàn gà, dạy cách trực tiếp tiêm, nhỏ vắc- xin... và cách sử dụng thuốc thú y đảm bảo an toàn thực phẩm và kiến thức về tiêu thụ sản phẩm không chỉ gia đình, mà còn có thể hướng dẫn, giúp đỡ bà con lối xóm ở địa bàn.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh