Em Vũ Thị Kim Chi, học sinh lớp 12B, Trường THPT Ngô Thì Nhậm chia sẻ: Hiện nay, nhiều tệ nạn xã hội đang xâm lấn vào môi trường học đường, như nghiện game, ma túy, đánh nhau, hành xử côn đồ, vô văn hóa, vi phạm an toàn giao thông... Nguyên nhân là do nhận thức của học sinh còn có mức độ, thích ăn chơi, đua đòi, bị lôi kéo, hiếu thắng..., chưa suy nghĩ được đến hậu quả mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra còn do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, trong giai đoạn hình thành và phát triển về thể chất và tinh thần, thanh, thiếu niên luôn muốn thể hiện và khẳng định mình, trong khi sự phát triển của nền kinh tế luôn có hai mặt, khiến nhiều học sinh bị ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, trở nên vô cảm và sống "ảo"... Do đó, về phía nhà trường, nên đưa nhiều tấm gương tốt của những người xung quanh, của thầy cô giáo và xã hội nhiều hơn vào các chương trình ngoại khóa, trong giờ học. Đẩy mạnh hơn nữa việc phối kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: "Nhà trường, gia đình và xã hội". Tích hợp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm bám sát học sinh hơn để tư vấn tâm lý cho học sinh. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo hứng thú và khắc sâu bài học cuộc sống cho học sinh.
Có thể nói, trong công tác quản lý, giáo dục học sinh thì giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa nhà trường với học sinh, nhà trường và gia đình học sinh và các lực lượng xã hội khác. Giáo viên chủ nhiệm cũng là người gần gũi, định hướng cho học sinh trong học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hình thành nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội. Cô giáo Phạm Thị Vân, người có 15 năm làm công tác chủ nhiệm lớp tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm cho rằng, thanh niên, thiếu niên là thế hệ trẻ tương lai của đất nước, là lứa tuổi bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên vào đời, nhưng cũng là lứa tuổi các em khó làm chủ được bản thân nếu vấp phải những tác động tiêu cực từ xã hội. Do vậy, để các em có những suy nghĩ, hành động tích cực trên bước đường phấn đấu trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội thì vai trò của các thầy, cô giáo chủ nhiệm trong môi trường giáo dục là vô cùng quan trọng. Theo đó, để quản lý tốt các em, thầy cô chủ nhiệm cần nghiên cứu, nắm vững tình hình học sinh của lớp, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục một cách có hiệu quả. Phối hợp với đoàn thanh niên nhà trường, đoàn thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động vui chơi hấp dẫn nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm, kỳ nghỉ hè, với nhiều hoạt động hấp dẫn, lôi kéo học sinh, thanh, thiếu niên tham gia, giúp các em tránh xa các tai, tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cần giáo dục thanh, thiếu niên ý thức học tập, qua đó không ngừng hoàn thiện về tri thức và nhân cách, vững bước vào tương lai tươi đẹp phía trước. Giáo viên chủ nhiệm còn là người quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, bằng việc sâu sát, tích cực tìm hiểu tâm sinh lý của các em; tôn trọng ý kiến của học sinh và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em để có phương pháp giáo dục đạo đức phù hợp… Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em có thể ứng phó một cách tự tin, tự chủ và hoàn thiện hành vi của bản thân trong giao tiếp, giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Thêm vào đó, chú ý đến công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên, giúp các em nhận thức sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, hoàn cảnh gia đình, xu hướng xã hội hay các giá trị cá nhân để chọn lựa nghề nghiệp phù hợp...
Thượng tá Bùi Công Định, Phó Trưởng công an thành phố Tam Điệp cho biết: Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật chủ yếu là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay; sự tiêm nhiễm những luồng văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội, kích động bạo lực... Bên cạnh đó là sự non kém, lệch lạc về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật; một phần là những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên... dẫn đến tệ nạn, ăn chơi đua đòi, giao lưu với đối tượng xấu, sống buông thả dẫn đến sa ngã... Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 10, Công an thành phố và ngành Giáo dục thành phố Tam Điệp đã thực hiện quy chế phối hợp, nhằm chủ động phát hiện, quản lý, giáo dục những học sinh hư có biểu hiện vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, không để ảnh hưởng xấu đến công tác dạy và học của cán bộ, giáo viên và học sinh trong các nhà trường.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, ngày 19/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 124, ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh về quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, công tác này trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, tội phạm trong thanh, thiếu niên từng bước được kiềm chế, giảm dần, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: Khải Hoàn