Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan có thể tự hào về những thành tựu kinh tế- xã hội đã đạt được. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới, phức tạp; nền kinh tế trong nước phục hồi, nhưng còn chậm và chưa vững chắc; biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất và đời sống nhân dân. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong huyện, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một huyện miền núi. Cùng với những chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng đến sự phát triển bền vững. Đến năm 2014, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 84.000 tấn, vượt trên 4 nghìn tấn so với chỉ tiêu đề ra; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 84 triệu đồng/ha, tăng 24 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV.
Nhân dân đã hưởng ứng cuộc vận động dồn điền, đổi thửa, hình thành các mô hình trang trại, gia trại, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế đồi rừng, nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh sắn, mía, dứa..., phát triển đàn gia súc và con nuôi đặc sản hươu, dê, ong...; các xã vùng thấp trũng kết hợp sản xuất lúa với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ các xã vùng lũ, đến các xã vùng cao Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long…, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập cao đã và đang xuất hiện.
Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư gắn với huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 26 xã. Năm 2012, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới huyện Nho Quan, giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; đề ra những chủ trương, giải pháp quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2014, huyện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2015 có thêm 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí, góp phần xây dựng và thay đổi diện mạo nông thôn Nho Quan ngày càng khởi sắc.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Những ngành nghề có thế mạnh như: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, may mặc, chế biến nông sản, giao thông vận tải tiếp tục phát triển. Chú trọng một số nghề truyền thống như xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, mộc, chế biến gỗ... bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và mở ra hướng làm ăn mới cho nhân dân. Dịch vụ, thương mại phát triển, các chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng cao.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm cơ bản đạt và vượt mục tiêu của Đại hội, bình quân vượt 28,8%/năm so với kế hoạch tỉnh giao; cơ cấu nguồn thu chuyển dịch theo hướng tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, chú trọng không để phát sinh nợ mới; quản lý nguồn vốn chặt chẽ, ưu tiên thanh toán nợ, huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình văn hóa..., tạo tiền đề và tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Cùng với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa- xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đến nay, toàn huyện có 79,5% hộ gia đình văn hóa, 81,5% làng văn hóa, 79% cơ quan, trường học văn hóa; khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà văn hóa thanh, thiếu nhi huyện, 74,1% xã, thị trấn và 96% khu dân cư có nhà văn hóa. Công tác giáo dục- đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ở các cấp học được duy trì và nâng lên, kiên cố hóa trường học được đẩy mạnh, cơ sở vật chất được tăng cường, đội ngũ giáo viên được phát triển cả về số lượng và chất lượng; hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS; hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng…
Huyện cũng quan tâm đẩy mạnh công tác giảm nghèo; thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội. Các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm từ 11,69% (năm 2011) xuống còn 5,9% (năm 2014), dự kiến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.
Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; thường xuyên giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trước âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tập trung giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp, không để xảy ra khiếu kiện đông người. Trong nhiệm kỳ, trên địa bàn huyện, tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bình quân của nhiệm kỳ đạt 80,4%. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp được 1.546 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 8.444 đảng viên.
Những kết quả mà Đảng bộ, quân và dân huyện Nho Quan đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất quan trọng, là động lực, là tiền đề để huyện tiếp tục có những bước đi vững chắc hơn trong thời gian tới. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 là dịp để Đảng bộ đánh giá thẳng thắn, khách quan những việc làm được, những việc chưa làm được, thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho 5 năm tới, với quyết tâm chính trị to lớn, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; đi đôi với bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng sự mong đợi và hy vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra, đưa huyện Nho Quan phát triển toàn diện, vững chắc, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Lã Trường Sinh
TUV, Bí thư Huyện ủy Nho Quan