Tìm hiểu về phương pháp dạy học Tiếng Việt 1- CNGD tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp) chúng tôi nhận thấy, không khí lớp học khá hào hứng, nhiều học sinh say mê nghe, nhìn cô giáo làm mẫu để học và làm theo.
Cô giáo Lê Hải Yến, giáo viên dạy lớp 1 chia sẻ: Giảng dạy môn Tiếng Việt 1-CNGD giúp cho giáo viên nắm vững kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực, tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng. Ngoài ra, còn giúp học sinh tích cực, tự giác, sáng tạo tiếp thu kiến thức mới. Thay vì chỉ đánh vần, học sinh còn được phân tích âm, vần qua các thao tác tay và các hoạt động phù trợ, tạo sự hứng thú, giúp các em làm chủ kiến thức.
Qua 3 năm trực tiếp giảng dạy theo phương pháp mới, có thể thấy, học Tiếng Việt 1-CNGD giúp các em học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức ngữ âm, chính tả mà còn rất thích thú khi được đến trường. Dù còn nhiều khó khăn, bất cập như âm tiết, vần hơi nhiều và lỗi chính tả vẫn còn trong sách giáo khoa, nhưng với sự cố gắng của giáo viên và học sinh, hầu hết các em đã đọc thông viết thạo, đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Cô giáo Đỗ Thị Nga, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Sau 3 năm áp dụng dạy học theo sách Tiếng Việt 1- CNGD, qua đánh giá cuối năm, chất lượng học môn Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1 đạt so với yêu cầu; tuy nhiên vẫn còn một số em kỹ năng viết chưa tốt. Đối với những học sinh này, nhà trường lên kế hoạch bồi dưỡng thêm trong dịp hè.
Trường Tiểu học Ninh Thắng là 1 trong 3 trường đầu tiên của huyện Hoa Lư đưa vào thí điểm giảng dạy chương trình giáo dục mới và năm nay cũng là năm thứ 3 nhà trường tiếp tục đưa chương trình Tiếng Việt 1 theo phương pháp CNGD vào giảng dạy cho học sinh lớp 1.
Đánh giá về phương pháp dạy học này, cô giáo Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học theo phương pháp này giúp học sinh lớp 1 viết đẹp, viết nhanh, đọc lưu loát hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy giáo viên còn hướng dẫn các em tham gia một số hoạt động như vỗ tay theo tiếng, vẽ hình theo tiếng, tạo cho các em sự hứng thú, thoải mái và tự tin, mạnh dạn khi học.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chương trình giảng dạy này còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập như việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn chưa hiệu quả, mặc dù vào đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho phụ huynh học sinh về chương trình giảng dạy mới này nhưng hầu hết phụ huynh thường dạy con theo phương pháp truyền thống.
Cùng với đó, đối với những học sinh nhận thức nhanh thì việc tiếp thu bài và rèn luyện các kỹ năng phát âm, đọc, viết có nhiều tiến bộ; một số em nhận thức còn hạn chế, việc tiếp thu bài sẽ chậm hơn so với các bạn, việc rèn luyện những kỹ năng của bài học sẽ gặp khó khăn hơn…
Đấy là chưa kể một khó khăn khách quan nữa là học theo phương pháp mới này chưa có sự kế thừa, cụ thể là, học sinh học hết chương trình CNGD ở lớp 1, lên lớp 2 lại quay về học chương trình theo kiểu truyền thống, từ đó một số kỹ năng, phương pháp mới đã học từ lớp 1 không còn được áp dụng gây lãng phí cho cả cô và trò…
Phương pháp dạy học Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục bao gồm các nội dung: Học vần, viết, đọc và viết chính tả. Chương trình này giúp học sinh được học kiến thức từ âm đến chữ, cách phân tích cấu trúc ngữ âm, xác định vị trí âm trong một tiếng gồm âm đầu, âm chính và âm cuối. Đặc biệt, phương pháp này sẽ giúp học sinh nắm chắc kiến thức, biết đọc và biết viết nhanh hơn. Đây là công trình nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Ngọc Đại, Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam thực hiện.
Đối với tỉnh Ninh Bình, sau khi thí điểm từ năm học 2013-2014 tại một số trường Tiểu học ở các huyện, thành phố, năm học 2016-2017, phương pháp dạy Tiếng Việt lớp 1-CNGD được triển khai ở 100% trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Trước đó, để việc giảng dạy theo phương pháp mới này được thuận lợi và hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho trên 100 cán bộ quản lý là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và 170 giáo viên dạy lớp 1 của 52 trường tiểu học lần đầu thực hiện.
Tại buổi tập huấn, những nội dung kiến thức liên quan đến môn học, những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị đã triển khai, những tồn tại, hạn chế về sách giáo khoa, thiết kế…và những khó khăn sẽ gặp phải đối với học sinh đã được các báo cáo viên và học viên trao đổi, chia sẻ và đưa ra các giải pháp khắc phục triệt để.
Đánh giá về hiệu quả của môn Tiếng Việt 1-CNGD, ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Bên cạnh những điểm ưu việt, phương pháp học theo sách Tiếng Việt 1-CNGD cũng bộc lộ một vài hạn chế nhất định. Đó là phương pháp mới nên cả thầy và trò đều ít nhiều còn bỡ ngỡ, thời gian cho học sinh rèn luyện kỹ năng viết còn ít nên một số học sinh sau khi kết thúc năm học, kỹ năng viết còn hạn chế…
Tuy nhiên, thành công bước đầu của phương pháp dạy học Tiếng Việt 1-CNGD sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Để tiếp tục triển khai phương pháp dạy Tiếng Việt 1-CNGD và khắc phục những hạn chế của chương trình, đội ngũ giáo viên phải bám sát chặt chẽ phương pháp giảng dạy, thực hiện đúng quy trình; đồng thời phát hiện, đóng góp những ý kiến để khắc phục hạn chế, phát huy tối đa hiệu quả phương pháp dạy học mới này trong các trường tiểu học.
Hạnh Chi