Sau hơn một năm thực hiện việc sáp nhập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Yên Khánh đã đi vào ổn định và thực hiện tốt cả nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, mặc dù Trung tâm vẫn phải đối diện với hàng loạt khó khăn về cơ sở vật chất. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Khánh thì hiện nay, trụ sở chính và mọi hoạt động dạy và học chỉ được khai thác ở Trung tâm GDTX với 15 phòng học. Các phòng học là dãy nhà cấp 4 chỉ đáp ứng được yêu cầu dạy và học văn hóa, còn đào tạo nghề thì các em học sinh phải di chuyển đến các trường cao đẳng liên kết để học các tiết thực hành và thực tập. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo Trung tâm xác định, không thể để những khó khăn về cơ sở vật chất ảnh hưởng đến công tác đào tạo của nhà trường và đặt mục tiêu phải lấy chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Nhờ đó, những năm trở lại đây, Trung tâm GDNN-GDTX Yên Khánh luôn dẫn đầu các Trung tâm trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua trong năm học 2017-2018 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trong năm học mới 2018-2019, Trung tâm đã tuyển sinh được 250 học sinh, vượt mục tiêu đề ra, 100% học sinh lớp 10 đã đăng ký học nghề bên cạnh việc học văn hóa. Trước đây, khi chưa sáp nhập thì nhiệm vụ của Trung tâm GDTX là vừa dạy văn hóa và vừa liên kết để đào tạo nghề cho học viên. Sau khi thực hiện sáp nhập, công tác đào tạo nghề càng được quan tâm và xác định là hướng đi mũi nhọn. Hiện nay, để làm tốt công tác đào tạo nghề, nhà trường đã liên kết với 5 trường cao đẳng nghề và lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu để dạy như mộc, may công nghiệp, nấu ăn…Từ 3 năm trở lại đây, 100% học viên khi tốt nghiệp văn hóa thì đều có bằng trung cấp nghề.
Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các em đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Không chỉ tập trung đào tạo nghề cho học sinh, Trung tâm cũng khá quyết liệt trong việc mở rộng phạm vi đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặc dù là lĩnh vực rất mới mẻ, song tập thể lãnh đạo, giáo viên trong Trung tâm đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay từ đầu năm. Việc khảo sát nhu cầu, năng lực của người lao động và công tác đánh giá thị trường được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo người lao động sau khi được đào tạo sẽ chắc chắn có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình với năng suất, hiệu quả cao. Năm 2017, chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện sáp nhập, Trung tâm đã đào tạo được 5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2018, Trung tâm phấn đấu nâng số lớp đào tạo lên 7 lớp, tập trung chủ yếu ở các nghề như: đan bèo bồng, nuôi và phòng bệnh cho gà… Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức tại các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động khi tham gia học nghề.
Đối với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Yên Mô thì sau khi sáp nhập, Trung tâm đã bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với công việc cho mỗi cán bộ giáo viên, về cơ bản giữ nguyên vị trí nhiệm vụ công tác, hạn chế xáo trộn gây ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả công việc. Tận dụng hệ thống cơ sở vật chất vốn có của Trung tâm Dạy nghề, đến nay Trung tâm GDNN - GDTX Yên Mô khá thuận lợi trong việc bố trí địa điểm dạy văn hóa và có cả cơ sở riêng để cho sinh học thực hành, tổ chức các lớp đào tạo nghề tập trung. Nhờ đó, những khó khăn trong tuyển sinh học văn hóa và học nghề cũng đã dần được khắc phục. Năm học 2018-2019 này, Trung tâm cũng tuyển được 170 học sinh, tuy chưa đạt 100% kế hoạch đề ra nhưng theo đồng chí Đặng Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Yên Mô thì kết quả này khả quan nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mặc dù là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với cán bộ quản lý của Trung tâm, song được bắt nhịp và thực hiện khá bài bản. Tính riêng năm 2017, sau khi thực hiện sáp nhập Trung tâm đã tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phấn đấu sẽ thực hiện được 4 lớp đào tạo nghề, trong đó có 2 lớp dạy nghề nông nghiệp và 2 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trong năm 2018 này.
Năm 2015, Liên bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39 về sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên. Việc sáp nhập này được coi là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tránh lãng phí về cơ sở vật chất và chồng chéo trong hoạt động. ở tỉnh ta, việc sáp nhập được hoàn thành vào cuối năm 2017. Sau một năm thực hiện sáp nhập, hầu hết các Trung tâm đã đạt kết quả bước đầu về một mô hình đào tạo mới. Về chặng đường sắp tới, các Trung tâm mong muốn được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung đội ngũ giáo viên… để phát huy hơn nữa hiệu quả đào tạo.
Tuy nhiên, từ thực tế ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Khánh cho thấy, cơ sở vật chất cũng không phải là yếu tố quyết định. Thiết nghĩ, sau một năm tiếp cận và thử nghiệm, đến thời điểm này các Trung tâm cũng cần chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để liên kết đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các Trung tâm cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học để thu hút ngày càng nhiều học sinh, nhất là đối tượng lao động nông thôn. Có như vậy, việc sáp nhập mới phát huy tối đa hiệu quả chứ không phải chỉ là "bình mới, rượu cũ".
Bài, ảnh: Đào Hằng