Là trường THPT chuyên, những năm qua, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động của thư viện trường. Cô giáo Đoàn Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng trường nhà trường cho biết: Nhà trường đặt mục tiêu đưa thư viện trở thành nơi học tập, nghiên cứu, giải trí, là trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học. Đối với giáo viên, thư viện là kho tàng lưu giữ những kiến thức bổ ích được lưu trữ qua từng thời gian, đồng thời cung cấp, bổ sung và cập nhật khối lượng thông tin làm cho nội dung bài giảng ngày càng phong phú, giáo viên có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để làm giàu vốn kiến thức của mình, truyền tải đến học sinh lượng kiến thức tốt nhất. Đối với học sinh, thư viện đóng vai trò gián tiếp, xây dựng thói quen tự học, tự bồi dưỡng trong học tập. Mặt khác, thư viện giúp người đọc tạo dựng được tính chủ động trong học tập của mình. Công tác phục vụ bạn đọc luôn được coi là công tác quan trọng nhất của thư viện trường.
Hiện thư viện trường có trên 7.500 cuốn sách tham khảo, trên 2.000 cuốn sách giáo khoa, hơn 2.000 cuốn sách nghiệp vụ và 18 đầu báo, tạp chí… Nhà trường bố trí 2 phòng đọc, mỗi phòng 50 chỗ ngồi rộng rãi, thoáng mát; đồng thời trang bị 2 máy tính dùng để tra cứu dữ liệu, đảm bảo hệ thống chiếu sáng, không gian yên tĩnh cho giáo viên và học sinh đọc và nghiên cứu tài liệu. Là trường chuyên nên thư viện trường đa dạng và phong phú tài liệu về môn loại, nhiều tài liệu quý hiếm, có giá trị ở các môn: Toán học, Hóa học, Vật lí, Ngoại ngữ, Văn học, Triết học, Sử học, Địa lý, Sinh học, Nghệ thuật, Thể dục thể thao,… được nhân viên thủ thư nhiệt tình hướng dẫn tìm kiếm thông tin, cho mượn tài liệu, đọc tại chỗ hoặc giới thiệu, hỗ trợ mua tài liệu khi cần.
Với sự nỗ lực của giáo viên và học sinh, cùng với sự hỗ trợ của thư viện trường, những năm qua, học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Tụy liên tục đạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi HSG các cấp, nhiều học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi về KHKT, TDTT đạt giải thưởng cao. Các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, diễn đàn dành cho học sinh… được tổ chức thực hiện ngày càng quy mô, bài bản, trở thành nơi đào tạo mũi nhọn và toàn diện của tỉnh.
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện trường học, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã quan tâm đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống thư viện trong trường học. Từ đó, chất lượng hoạt động của thư viện trường học ngày càng được nâng cao. Thư viện đã phát huy được hiệu quả, thực sự là nơi học tập, trau dồi tri thức của học sinh. Hiện tại, đa số các trường học trong tỉnh đều có những cách làm hay, độc đáo nhằm phát huy tối đa vốn sách trong thư viện trường bằng việc xây dựng các "thư viện xanh", "thư viện di động", "thư viện thân thiện", "Góc thư viện trong lớp học"… để học sinh và giáo viên tiện tra cứu, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong mỗi nhà trường.
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã cung ứng cho thư viện các nhà trường hàng nghìn bản sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao, các loại tạp chí… cho giáo viên và học sinh, trị giá hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học và đủ tiêu chuẩn đạt thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc. Với điều kiện của mình, các nhà trường cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành phục vụ hiệu quả nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh. Cùng với việc xây dựng tủ sách dùng chung, mỗi năm, các trường học cũng phát động và quyên góp sách giáo khoa để tặng, cho, mượn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Đồng thời, Thư viện tỉnh cũng đẩy mạnh việc trao đổi, luân chuyển sách cho các thư viện nhà trường, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh và giáo viên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Riêng năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra công nhận 13 thư viện trường học lên mức chuẩn cao hơn; trong đó có 11 thư viện được công nhận xuất sắc, 2 thư viện được công nhận tiên tiến. Đến nay, toàn ngành có 322/327 thư viện đạt chuẩn trở lên, chiếm tỷ lệ 98,5% tổng số thư viện trường học; trong đó có 58 thư viện tiên tiến, chiếm trên 17%; 214 thư viện xuất sắc, chiếm trên 65%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số thư viện trường học chưa thu hút được giáo viên và học sinh yêu thích và tích cực tham gia đọc sách. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất thiếu thốn, các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của thư viện như giá, tủ, kệ sách, bàn ghế, ánh sáng còn thiếu, lạc hậu, số lượng, chủng loại sách còn ít, đặc biệt là các loại sách tham khảo, sách nâng cao xuất bản mới giúp học sinh và giáo viên nâng cao trình độ không có. Cùng với đó, đội ngũ thủ thư phần lớn là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên việc đầu tư, quan tâm đến hoạt động của thư viện còn có mức độ, chất lượng hiệu quả không cao, nhiều thư viện hoạt động mang tính hình thức, là điều kiện để xét công nhận các phong trào thi đua trong nhà trường. Những hạn chế đó hàng năm được ngành Giáo dục chỉ đạo các nhà trường tùy vào điều kiện thực tế của mình tiết kiệm nguồn thu, quan tâm bổ sung cơ sở vật chất, đầu tư mua thêm sách, báo, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh và giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các nhà trường.
Hạnh Chi