Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân trong việc đóng góp kinh phí, ngày công để tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, thúc đẩy phát triển du lịch.
Dẫn chúng tôi đi thăm cảnh quan khu núi chùa Phong Phú ở xã Ninh Giang (Hoa Lư), ông Nguyễn Như Mạnh, Ban quản lý di tích tự hào giới thiệu về ngôi chùa có giá trị lịch sử lâu đời của quê hương: Chùa được lập từ năm 968 thời vua Đinh Tiên Hoàng. Trong các thời kỳ kháng chiến, ngôi chùa còn là căn cứ cách mạng, là nơi hoạt động của tổ chức Đảng ở địa phương.
Nơi đây còn lưu giữ những tấm bia ký bằng chữ Hán có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn, hình ảnh 18 vị La hán được khắc trên vách đá. Nơi đây đã tìm thấy rìu đá có vai ở thời kỳ đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng. Trong lòng đất còn lưu giữ những viên gạch có trang trí hoa văn thời Đinh - Lê.
Để lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống của ngôi chùa cổ, nhiều năm nay người dân địa phương đã nhiệt tình, trách nhiệm đầu tư kinh phí, ngày công để tu bổ, trùng tu, bảo tồn di tích.
Chỉ tính riêng từ năm 1993 đến năm 1997, Ban quản lý di tích đã vận động được nguồn kinh phí từ những người con quê hương để tiến hành tu sửa nội tự, sơn lại tượng và các đồ thờ, thay ngói tây bằng ngói nam để đem lại tầm cổ kính cho ngôi chùa, sửa chữa lại những khu vực tường long, ngói lở, tôn tạo thành bậc lên đỉnh núi Cô Phong.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân trong xã tích cực tham gia trồng cây xanh khu vực xung quanh núi chùa. Từ năm 1997 khi ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, Nhà nước đã hỗ trợ 50 triệu đồng để tu sửa, tôn tạo. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, khi đời sống kinh tế khấm khá hơn, di tích lịch sử đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Khoảng 5 tỷ đồng là kinh phí được các doanh nghiệp, con em quê hương dành để ủng hộ tu sửa, tôn tạo di tích khang trang hơn, đẹp hơn. Cùng với việc di tích trở thành địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hàng tháng học sinh trường THCS xã nhà đã nhận chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhặt cỏ khu vực xung quanh núi chùa Phong Phú.
Đến nay, trên địa bàn đã có 79 di tích và danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có 2 di tích và danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt quan trọng đó là Quần thể Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An; 183 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng hàng chục di tích khảo cổ học.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các di tích lịch sử có ý nghĩa là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, có bề dày lịch sử cần phải được bảo tồn và phát huy để gìn giữ cho muôn đời sau, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, sưu tầm, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử.
Thuận lợi trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở tỉnh ta là tại các di tích lịch sử còn lưu giữ một số hiện vật và đồ thờ tự quý có tuổi đời từ hàng nghìn năm nay như: bia ký, nhang án, sập đá cổ, các cỗ kiệu, chuông… Đây chính là yếu tố quan trọng để việc bảo tồn, tôn tạo các di tích đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, để chống xuống cấp cho các di tích lịch sử, hàng năm tỉnh dành kinh phí để tu bổ thường xuyên. Năm 2012 kinh phí dành cho công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp cho các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh là 16,9 tỷ đồng. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, khi ngành Du lịch tỉnh nhà đang từng bước hình thành các khu, điểm, các tuyến du lịch, các loại hình du lịch… mang đặc trưng của vùng đất Cố đô để thu hút du khách về với Ninh Bình, các di tích lịch sử sẽ đóng vai trò quan trọng với tư cách là những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Để làm được điều đó, hơn bao giờ hết, các di tích lịch sử luôn cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân.
Bùi Diệu