Chị Mai Thị Hương, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, khi con vào lớp 1 năm học 2017-2018, ngay buổi họp phụ huynh đầu năm, chị đã được các phụ huynh bầu làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. Theo chị Hương, công việc của Ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ là "cầu nối" giữa nhà trường với gia đình mà có rất nhiều việc phải làm và cần số người nhất định để hoạt động hiệu quả. Ban đã phải kêu gọi sự tự nguyện của 5 phụ huynh khác, là những người có công việc không quá đòi hỏi nghiêm ngặt về giờ giấc. Theo đó, Ban có nhiệm vụ thu tiền quỹ lớp, thống nhất việc mua sắm các đồ dùng cần thiết ban đầu cho học sinh mới vào lớp 1, như chăn, chiếu, gối, nước uống… Cùng với đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh tại lớp, tại trường; tham gia và hỗ trợ nhà trường trong việc chăm lo đời sống sinh hoạt, học tập của con em mình... Từng thành viên Ban đại diện cũng nắm bắt, lắng nghe ý kiến của các phụ huynh trao đổi về tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh, những khoản thu, chi của lớp, của trường…, từ đó tổng hợp, trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường
Trước những thông tin hiện nay cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh là cánh tay nối dài kết hợp với nhà trường để thu những khoản phí không phù hợp, chị Hương cho rằng không hoàn toàn là như vậy. Bởi trong các cuộc họp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất những khoản thu, với những khoản không hợp lý, chúng tôi vẫn ý kiến với nhà trường để xem xét lại. Không phải nhà trường đưa ra khoản thu nào, chúng tôi cũng thực hiện theo, mà phải xét theo mức độ cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng đưa ra phụ huynh phản đối hoặc có ý kiến gây hiệu ứng không tốt. Theo chị Hương, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường là cần thiết và quan trọng hơn cả là phải phát huy được đúng vai trò, thực sự là "cầu nối" để bảo vệ quyền lợi của phụ huynh và học sinh, đóng góp hiệu quả vào nhiệm vụ dạy và học trong các nhà trường.
Theo đại diện lãnh đạo Ban giám hiệu một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình, Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò rất quan trọng giúp nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh, nhất là đối với những ngôi trường trung tâm, trọng điểm có quy mô đông, quá tải đến hàng nghìn học sinh. Bởi họ giúp nhà trường theo dõi, quản lý các hoạt động của lớp, của trường; chung tay trang trí, huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; truyền tải những quy định, chủ trương trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo tại trường. Đặc biệt hiện nay, hầu hết các trường đều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, mục tiêu cũng là để cho học sinh được học tập trong môi trường đầy đủ và tốt nhất nên việc đóng góp các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa là cần thiết. Việc lạm thu trong nhà trường không nên đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, nếu nhà trường đưa ra những khoản thu không hợp lý, phụ huynh có thể ý kiến với Ban đại diện, khi đó nhà trường có muốn cũng không thể tiến hành thu được.
Theo Công văn số 811, ngày 15/8/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản thu trong trường học năm học 2017-2018, quy định rõ, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến. Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Được biết, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55, ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, nhiều Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, là "cầu nối" để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình, mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo. Nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh đã góp phần quan trọng trong việc đưa đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo đến phụ huynh học sinh. Ngoài ra, nhiều nơi đã thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh...
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là, nội dung hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều nơi vẫn còn những bất cập; mối quan hệ giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường thường mới chỉ dừng ở việc tham dự vào các hoạt động bề nổi, các hoạt động chung của trường mà chưa phát huy được vai trò, tiếng nói của mình trong nhiều hoạt động quan trọng khác. Trong đó vấn đề nổi cộm nhất là việc vận động thu những khoản tiền không trong quy định mà nhà trường đặt ra; khi phụ huynh có ý kiến thường bị động hoặc ngại không trao đổi, phản hồi lại với nhà trường khiến phụ huynh thiếu niềm tin, cho rằng Ban đại diện đứng về phía nhà trường…Thực tế đó đòi hỏi Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đổi mới nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn sao cho phát huy được vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong hoạt động của các nhà trường, bảo đảm tính chủ động, độc lập, tạo sự đồng thuận cao trong các phụ huynh học sinh, thực sự trở thành tiếng nói của đại diện cha mẹ học sinh trong các hoạt động giáo dục, cùng với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Mỹ Hạnh