Trong chuyến đi thực tế lần này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với lão thành cách mạng Phạm Thị Lợi ở phố Phú Vinh. Bà Lợi nguyên là cán bộ của Bách hóa Kim Sơn (Công ty Bách hóa vải sợi Ninh Bình). Trò chuyện với chúng tôi, lão thành cách mạng Phạm Thị Lợi cho biết, vào dịp Quốc khánh 2-9, bà cũng như nhiều nhà ở khu phố làm cơm, mua hoa quả đặt lên bàn thờ, thắp hương để tưởng nhớ Bác Hồ và các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, bày tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành…
Nhớ về những ngày tham gia hoạt động cách mạng của mình, bà Lợi cho biết: Quê gốc bà ở xã Hoài Sang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Gia đình bà từng là cơ sở để cán bộ Việt Minh hội họp, vì thế bà cũng sớm được giác ngộ lý tưởng của Đảng và đã hăng hái tham gia cách mạng, vận động các thành viên trong gia đình, bà con lối xóm cùng làm theo. Năm 1943, bà gia nhập Đội thanh niên cứu quốc, lúc ấy bà Lợi vừa tròn 16 tuổi.
Do có nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng nên năm năm 1945, bà Phạm Thị Lợi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1954, bà Lợi cùng chồng và một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng thị xã Phát Diệm. Và cũng từ đây, Phát Diệm trở thành quê hương thứ hai của gia đình bà. Gia đình bà tích cực lao động sản xuất và cùng nhân dân Kim Sơn trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, bà đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trở lại thị trấn Phát Diệm, cùng lão thành cách mạng Phạm Thị Lợi trải bước bên dòng sông Ân, đi trên cây cầu Ngói lịch sử- biểu tượng văn hóa của người Kim Sơn, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của Phát Diệm. Dưới nắng thu vàng, đứng trước tượng đài chiến thắng được đặt bên dòng sông Ân, bà Lợi rưng rưng xúc động, bà nói: Tượng đài chiến thắng là một biểu tượng sinh động minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Kim Sơn. Đã gần 70 năm trôi qua, cuộc sống nô lệ, tối tăm giờ chỉ còn là quá khứ. Phát Diệm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của gia đình tôi và bà con đã được nâng lên rất nhiều. Đó là nhờ ơn Đảng, Nhà nước…
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phát Diệm vẫn luôn phát huy truyền thống cách mạng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Người Phát Diệm nhạy bén trong tư duy, năng động trong cơ chế thị trường nên ở Phát Diệm giờ đã hình thành nhiều thành phần kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đem về doanh thu trên 100 tỷ đồng mỗi năm.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, đến nay 95% các tuyến đường giao thông đã được đổ bê tông, trải nhựa; 5/8 phố có nhà văn hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13%. Tỷ lệ hộ nghèo của Phát Diệm giảm mạnh qua các năm, hiện chỉ còn 5,22%, giảm 4,91% so với năm 2010. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng không ngừng được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục được đầu tư mạnh mẽ, hàng năm có 70-100 em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; 95% học sinh lớp 9 thi đỗ vào các Trường THPT.
Bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đến mỗi người dân, Phát Diệm đã và đang tạo ra nhiều bước chuyển tích cực, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị- xã hội của huyện.
Bài, ảnh: Mai Lan - Tuấn Anh