Tại trường THPT Nho Quan A (huyện Nho Quan), năm học 2020-2021 có 384 học sinh lớp 12, chia làm 30 lớp. Để đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh, nhà trường lên lịch học chính khóa vào buổi sáng và tổ chức ôn tập, luyện thi vào các buổi chiều. Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT công bố các bộ đề tham khảo của kỳ thi, các giáo viên bám sát bộ đề, xây dựng kế hoạch ôn tập và định hướng cho học sinh ôn tập thêm tại nhà.
Thầy giáo Đinh Đức Nhật, giáo viên bộ môn Tiếng Anh cho biết: Trên cơ sở đề tham khảo của kỳ thi, chúng tôi xây dựng kế hoạch ôn tập và bám sát vào bộ đề thi thử của Bộ. Từ nay đến ngày diễn ra kỳ thi còn khá nhiều thời gian, nên cả thầy và trò không quá áp lực. Phương án tốt nhất vẫn là phân loại học lực, kết hợp với tư vấn tuyển sinh theo năng lực, giúp các em tự nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu đặt ra cho mình.
Theo thầy giáo Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nho Quan A, để tạo điều kiện cho học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhà trường tiến hành phân luồng học sinh theo sức học và nguyện vọng. Theo đó, buổi sáng các em học tại lớp cũ bình thường, buổi chiều phân chia lại các lớp theo học lực để tiến hành ôn tập theo năng lực của từng lớp, theo trình độ từng học sinh.
Ngay từ đầu học kỳ II, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn xem xét đúng khả năng của từng học sinh để có hình thức tổ chức ôn tập sát đối tượng, giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng của chương trình theo yêu cầu hiểu, biết và vận dụng. Cùng với đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn dạy các môn thi tốt nghiệp, sắp xếp thời gian hợp lý, ôn tập hiệu quả, đảm bảo tất cả các môn học sinh đăng ký thi tốt nghiệp đều được dạy đủ chương trình và tổ chức ôn tập phù hợp.
"Cách làm này được nhà trường tổng kết, đánh giá và cho thấy hiệu quả trong nhiều năm qua. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học tăng nhanh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 3 năm học gần đây của trường luôn đạt 100%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chiếm gần 80%. Tính riêng năm 2020, toàn trường có trên 50 học sinh thi đỗ các trường tốp đầu như Đại học Y, Kinh tế, Bách khoa Hà Nội, Học viện Phòng không- Không quân... Có gần chục học sinh được tuyên dương, khen thưởng Quỹ KHKT Đinh Bộ Lĩnh" - Thầy phó Hiệu trưởng nhà trường Bùi Bằng Đoàn cho biết thêm.
Hiện nay, phần lớn các trường THPT trong tỉnh đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành chương trình chính khóa của học kỳ II. Điều thuận lợi cho các trường là đều thực hiện đồng bộ các biện pháp tinh giảm kiến thức chương trình học chính khóa, giành thời gian ôn tập, củng cố lại kiến thức theo đề thi tham khảo đã được công bố, đáp ứng yêu cầu cơ bản của kỳ thi năm nay, không tạo áp lực, quá sức cho học sinh.
Em Hoàng Thị Trà My, học sinh lớp 12A11, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Được các thầy, cô giáo và gia đình tư vấn, hướng dẫn ôn tập, tâm lý em khá thoải mái cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Mục tiêu của em là thi vào khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Thương mại, các môn em tập trung học là khối A, gồm Toán, Lý, Hóa. Qua 4 lần thi thử theo đề thi của Sở GD&ĐT, của trường và theo cụm, em đạt số điểm từ 21-22 điểm. Em sẽ cố gắng ôn tập, luyện các đề thi, phấn đấu đạt được từ 23-24 điểm, sẽ đỗ vào trường đại học mình mong muốn.
Cô giáo Vũ Thị Bích, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Những năm qua, nhà trường thực hiện phân luồng học sinh ngay từ lớp 10 và cho thấy hiệu quả rõ nét. Theo đó, ngay từ khi vào trường, học sinh được phân loại và đăng ký học theo các khối thi, tùy vào năng lực, sở trường, trình độ của mình. Trong quá trình học, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng, nhưng đến đầu lớp 12 sẽ ổn định để các em yên tâm học tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Đến giữa năm học lớp 12, qua các lần thi thử, nhà trường cũng phân loại đầu yếu và đầu mạnh để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời. Đối với những học sinh học quá yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT, được phân loại học bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cơ bản để không trượt tốt nghiệp. Đối với những học sinh khá, giỏi, có động cơ phấn đấu, được khuyến khích đăng ký học lớp chất lượng cao, được giảng dạy, hướng dẫn, động viên nhằm đạt kết quả cao nhất, thi đỗ vào những trường Đại học uy tín, được Quỹ KHKT Đinh Bộ Lĩnh khen thưởng... Các lớp học này được tổ chức vào buổi chiều để không làm xáo trộn lịch học chính khóa của học sinh.
"Cùng với chương trình giảng dạy và ôn tập theo chỉ đạo, kế hoạch của Bộ, của Sở GD&ĐT, chúng tôi còn tổ chức nhiều lần thi thử theo các đề thi của Sở, của trường, liên trường, theo cụm để đánh giá thực tế chất lượng học sinh. Đồng thời, qua mỗi lần thi, giúp các em có thêm kinh nghiệm làm bài, sự tự tin, đánh giá đúng thực lực của bản thân, từ đó có sự cố gắng, phấn đấu, để khi diễn ra kỳ thi thật, đạt được kết quả cao nhất..." - cô giáo Vũ Thị Bích, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ thêm.
Bộ GD&ĐT đã công bố tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, lịch thi chính thức, chi tiết cho các ngày thi, môn thi. Theo đó, Kỳ thi sẽ diễn ra trong các ngày từ 6-9/7. Trong đó, thí sinh sẽ dự thi các môn thi trong hai ngày 7-8/7.
Cụ thể, vào ngày 6/7, thí sinh sẽ đến các điểm thi làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến Quy chế thi. Tiếp đó, vào sáng 7/7, thí sinh dự thi môn đầu tiên là Ngữ văn (120 phút) và thi môn Toán (90 phút) vào buổi chiều cùng ngày.
Sáng ngày 8/7, đồng thời diễn 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Buổi chiều cùng ngày, thí sinh sẽ làm bài thi Ngoại ngữ trong thời gian 60 phút. Sáng ngày 9/7 là buổi thi dự phòng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi