Nhìn lại năm học 2017-2018, chúng ta có thể khẳng định giáo dục- đào tạo Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng được nâng lên. Đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, với kết quả là Ninh Bình tiếp tục đứng trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục ổn định và nâng cao. Giáo dục mũi nhọn cũng đạt kết quả tiến bộ mới. Quy mô, hệ thống trường, lớp được quy hoạch phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân và tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 86,5%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo.
Năm học vừa qua, có 34 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia các mức độ, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 415 trường, chiếm tỷ lệ 87,6%. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thường xuyên được rà soát, tuyển dụng, sắp xếp, đảm bảo sự cân đối, hợp lý giữa các cấp học, trường học trên địa bàn, đến nay, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên….
Đây là những thuận lợi cơ bản, quan trọng cho ngành giáo dục đào tạo Ninh Bình nói chung và các thầy, cô giáo và học sinh của từng trường học, cấp học nói riêng bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi đó, giáo dục đào tạo Ninh Bình cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là, một số trường còn có tình trạng quá tải học sinh, dẫn đến thiếu cả lớp và thiếu giáo viên.
Tình trạng mất cân đối, không đồng bộ, thừa, thiếu cục bộ về cơ cấu giáo viên ở cấp tiểu học và THCS chậm được khắc phục. Nhiều phòng học chức năng có các trang thiết bị dạy học đã cũ, hư hỏng chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục của mỗi địa phương có sự khác nhau đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và yêu cầu đổi mới của từng đơn vị nhà trường.
Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu. Tiếng trống ngày khai trường sắp rộn ràng khắp nơi nơi. Đây là năm học tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN".
Trước khi bước vào năm học mới, ngày 10/8/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Chỉ thị số 2919/CT- BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành giáo dục.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới, các thầy, cô giáo và học sinh các cấp học trong toàn tỉnh cần đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt"; sẵn sàng và chủ động đón nhận sự thay đổi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp giáo dục mới ở tất cả các cấp học, bậc học để tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và kết quả thi đại học, cao đẳng. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là nâng cao đạo đức nhà giáo.
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng giáo viên các cấp học, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ, bảo đảm đủ số lượng giáo viên để dạy theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kỳ thi, nhất là kỳ thi THPT quốc gia nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục ngay từ đầu năm học mới để chống lạm thu dưới mọi hình thức, gây bức xúc cho xã hội….
Học sinh khắp nơi trong tỉnh đang háo hức; Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đang tin tưởng và kỳ vọng ngành giáo dục đào tạo tỉnh ta sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm học mới 2018-2019.
Nguyễn Đông