P.V: Xin đồng chí cho biết số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Ninh Bình?
Đ/c Phạm Thanh Toàn: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉnh Ninh Bình có 9.656 thí sinh đăng ký dự thi, với 440 phòng thi. Trong đó số thí sinh đang học lớp 12 là 9.200 thí sinh (THPT có 8.106 thí sinh, Giáo dục thường xuyên là 1.094 thí sinh); số thí sinh tự do là 456 thí sinh (có 44 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp, 412 thí sinh đăng ký dự thi đại học); số thí sinh dự thi có nguyện vọng xét tuyển đại học 6.473 thí sinh; số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 3.183 thí sinh.
Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tự chọn là 8.234 lượt, trong đó ĐKDT bài thi Khoa học tự nhiên là 3.440, chiếm tỷ lệ 35,63% trên tổng số thí sinh ĐKDT, trong đó đang học lớp 12 là 3.414 (THPT là 3.406, chiếm tỷ lệ 42,01% trên tổng số thí sinh THPT đang học lớp 12; GDTX là 8, chiếm tỷ lệ 0,73% trên tổng số thí sinh GDTX đang học lớp 12); thí sinh tự do là 26, chiếm 5,71% trên tổng số thí sinh tự do. Đối với thí sinh ĐKDT bài thi Khoa học xã hội là 5.861, chiếm 60,7% trên tổng số thí sinh ĐKDT, trong đó đang học lớp 12 là 4.794 (THPT là 4.769, chiếm tỷ lệ 51,83% trên tổng số thí sinh THPT đang học lớp 12; GDTX là 1.092, chiếm tỷ lệ 99,82% trên tổng số thí sinh GDTX đang học lớp 12); thí sinh tự do là 40 thí sinh. Tổng số thí sinh ĐKDT cả 2 bài thi KHTN và KHXH là 76 thí sinh (gồm cả 1 thí sinh tự do), trong đó THPT là 70, GDTX là 6.
Tổng số nguyện vọng ĐKDT đại học của các thí sinh là 31.417 nguyện vọng/6.473 thí sinh, trung bình mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển là 4,85 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
P.V: Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, vậy ngành Giáo dục và Đào tạo có sự chỉ đạo như thế nào để học sinh dự thi đạt kết quả cao nhất?
Đ/c Phạm Thanh Toàn: Nắm bắt tinh thần đổi mới các kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây, nhất là đối với kỳ thi có tác động lớn đối với xã hội như Kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học, Sở đã yêu cầu các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX tăng cường chỉ đạo dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong đó chú ý nội dung kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong các buổi họp thường kỳ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, Trung tâm GDTX tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo, nội dung ôn tập, ôn thi luôn được Sở chỉ đạo các đơn vị phân loại học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo, chủ động, sáng tạo trong dạy và học để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Giờ học tiếng Anh của cô, trò Trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu. Ảnh: Đinh Minh
Cùng với sự chỉ đạo, ngay từ tháng 1/2018, Sở đã tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục về văn hóa đối với học sinh lớp 12 của 27/27 trường THPT và 8/8 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX và Trung tâm GDTX tỉnh. Học sinh lớp 12 THPT khảo sát 4 bài thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH), học viên lớp 12 GDTX khảo sát 3 bài thi (Toán, Ngữ văn và bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH). Đến đầu tháng 2/2018, Sở tổ chức thi thử cho toàn bộ học sinh/học viên lớp 12 THPT, GDTX; đề thi lớp 12 được xây dựng bám sát cấu trúc đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 do Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố. Qua 2 đợt khảo sát, thi thử, các đơn vị rút kinh nghiệm điều chỉnh kế hoạch dạy học nhằm củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác khảo sát, tổ chức thi thử đảm bảo khoa học, nghiêm túc, khách quan áp dụng theo quy chế thi THPT Quốc gia hiện hành.
Đồng thời, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, tổ chức tư vấn cho học sinh ĐKDT. Trong công tác tuyên truyền về kỳ thi, đặc biệt lưu ý những đổi mới cơ bản để toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành, học sinh, học viên các nhà trường và cha mẹ học sinh cùng nhân dân nắm được. Ban hành văn bản hướng dẫn thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018; hướng dẫn đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018; tích cực chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi. Tổ chức kiểm tra đột xuất một số trường THPT về công tác tổ chức ôn thi THPT quốc gia qua đó chấn chỉnh, hướng dẫn điều chỉnh lịch ôn cho phù hợp với từng giai đoạn. Bên cạnh đó, ngay từ đầu học kỳ II, Sở đã tổ chức nhiều chuyên đề cấp tỉnh về dạy, học, ôn thi THPT quốc gia cho các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX.
P.V: Chỉ còn gần 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi, xin đồng chí cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị các điều kiện, phương án tổ chức kỳ thi như thế nào, phấn đấu kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế?
Đ/c Phạm Thanh Toàn: Để các kỳ thi diễn ra đảm bảo công bằng, khách quan, an toàn và nghiêm túc, Sở đã tham mưu đúng, trúng và kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh. Phối hợp tốt với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài tỉnh, với các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công về làm nhiệm vụ tại kỳ thi. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Hoa Lư để điều động trên 500 cán bộ, giảng viên tham gia làm nhiệm vụ ở tất cả các khâu, các công đoạn của kỳ thi. Làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, học sinh, người dân hiểu về kỳ thi, từ đó ủng hộ cho việc tổ chức kỳ thi. Cuối tháng 5, Sở tổ chức thi thử lần cuối cho học sinh, học viên lớp 12, từ đó rèn luyện thêm kỹ năng, kinh nghiệm làm bài, khả năng tư duy, khả năng vận dụng kiến thức đã học để làm bài, đặc biệt là những nội dung mới theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng qua đợt thi thử giúp cán bộ, giáo viên rèn luyện quy trình làm thi.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Sở thành lập 25 điểm thi tại 8/8 huyện, thành phố. Đa số học sinh được dự thi tại trường nơi học THPT. Chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho in sao đề thi, coi thi, chấm thi như máy photocopy siêu tốc, máy chia tập, máy quét bài thi trắc nghiệm... Làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ, giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình. Ngoài việc thực hiện theo đúng quy chế thi, quy định, lịch trình, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn có giải pháp mới để tăng cường tính khách quan, công bằng như: chọn cử đúng, đủ cán bộ tham gia làm thi, đặc biệt là những cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt, nắm vững quy chế thi; tăng cường công tác thanh tra đặc biệt là tại các điểm thi; bố trí cán bộ chấm thi không chấm bài thi của học sinh nơi mình công tác; tăng cường số lượng bài thi được chấm kiểm tra...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân