Một trong những giải pháp quan trọng các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội, đồng thời tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm.
Công tác quản lý môi trường, văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch ngày càng được cải thiện. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Với sự quan tâm đầu tư đúng hướng của tỉnh và những nỗ lực trong xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của các ngành, địa phương, đơn vị, những năm qua lượng khách về tham quan, thưởng ngoạn tại các khu, điểm du lịch tại Ninh Bình ngày càng tăng, nhất là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới.
Năm 2017, tổng số khách đến tham quan, du lịch tại Ninh Bình đạt 7,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 774 nghìn lượt. Năm 2018 Ninh Bình đón 7,38 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 876 nghìn lượt. 8 tháng đầu năm 2019, tổng số khách đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 6.166,2 nghìn lượt khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ du lịch năm 2017 đạt trên 2.500 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2%. Đến năm 2018, lao động du lịch có 21.100 người, trong đó 6.200 lao động trực tiếp, lao động gián tiếp là 14.900 người.
Với những kết quả trên, có thể khẳng định, du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao, doanh thu du lịch còn thấp; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển du lịch; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu đội ngũ chuyên gia quản lý giỏi, hướng dẫn viên chuyên nghiệp; công tác quản lý Nhà nước về du lịch có mặt còn hạn chế…
Để khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh, tận dụng các cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế, du lịch Ninh Bình cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển du lịch.
Các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực du lịch.
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cho du lịch Ninh Bình phát triển theo hướng bền vững, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành Du lịch; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoạt động du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch, tuyên truyền, vận động nhân dân và khách du lịch tự giác, tích cực bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự.
Tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững trong tình hình mới theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch.
Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến với du khách.
Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Ninh Bình đã được lựa chọn là địa điểm đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2020 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm". Đây sẽ là cơ hội cho du lịch Ninh Bình tăng tốc, bứt phá, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Minh Châu